Xuất hiện ban đỏ toàn thân, ngứa, đi ngoài, kinh nguyệt bất thường, ngất... sau ăn bánh mì 15p và rèn luyện thể lực
Chia sẻ với bác sĩ, nữ bệnh nhân hiện đang là nhân viên văn phòng (môi trường sống của gia đình không tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bụi bột mì) cho biết, cô có ăn một chiếc bánh mì trước khi tới phòng thể dục. 

"Khi chạy bộ được khoảng 15 phút với tốc độ trung bình 6 km/giờ, tôi xuất hiện ban đỏ toàn thân, ngứa, tăng nhịp tim, đau bụng, đi ngoài, xuất hiện kinh nguyệt bất thường và ngất tại phòng tập. Sau khi được sơ cứu tại chỗ khoảng 30 phút, tôi đã tỉnh lại"-  nữ bệnh nhân kể lại.

Sau đó, bệnh nhân đến thăm khám với chẩn đoán sơ bộ là theo dõi phản vệ độ 3 do bột mì sau hoạt động thể lực.

Hình ảnh test lẩy da của nữ bệnh nhân cho thấy có phản ứng với bột bánh mì. Ảnh: BSCC

Thông tin thêm với bác sĩ, nữ bệnh nhân này cho hay, bản thân chị và gia đình không có tiền sử bệnh lý dị ứng và các bệnh lý khác trước đó. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trước chị thường xuất hiện ban mày đay, ngứa sau khoảng 1 giờ sau ăn bánh mì có kèm theo hoạt động thể thao như đi bộ, chạy bộ.

"Tôi cũng không để ý nhiều đến điều này và thường xuyên ăn bánh mì trước mỗi buổi tập thể thao. Có lần sau ăn bánh mì tôi xuất hiện ban đỏ ngứa kèm theo đi ngoài nhưng cũng có lần cơ thể bình thường. Tôi có đi khám tại một số bệnh viện, tuy nhiên không rõ bệnh và bác sĩ cũng không xác định tôi bị dị dứng do nguyên nhân gì"-  nữ bệnh nhân kể lại.Theo BS Khánh, khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ đã nghi ngờ bệnh nhân có thể phản vệ với bột mì; phản vệ với bột mì sau hoạt động thể lực hoặc phản vệ với phụ gia trong bánh mì.

Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm test lẩy da dương tính với bánh mì song việc này cũng chưa thể xác định chính xác được chẩn đoán của bệnh nhân là phản vệ với bột mì hay phụ gia có trong bánh mì. Bởi lẽ test lẩy da với bánh mì có thể dương tính với một trong hai thành phần bột mì và phụ gia hoặc dị ứng với cả 2.

"Khi bệnh nhân được thực hiện test lẩy da với bột mì nguyên chất cho đã kết quả dương tính. Ngoài ra, phối hợp với xét nghiệm IgE đặc hiệu cho kết quả dương tính mạnh với bột mì. Điều này chúng tôi đưa ra kết luận bệnh nhân này có phản ứng quá mẫn cảm với bột mì, cùng với tiền sử diễn biến bệnh, chẩn đoán xác định cuối cùng của bệnh nhân là phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực"- BS Khánh cho biết.

Phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Theo chuyên gia, hạt lúa mì lại là một trong những dị nguyên dễ gây kích hoạt miễn dịch gây phản ứng dị ứng theo cả hai cơ chế qua trung gian IgE và không qua IgE với biểu hiện lâm sàng đa dạng từ nhẹ như mày đay, ngứa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm dạ dày thực quản, và thậm chí nặng hơn có thể gây phản vệ đe doạ tới tính mạng người ăn nó.
Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, các rối loạn liên quan tới bột mì khá phức tạp. Phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên gặp nhiều ở trẻ em vị thành niên và người lớn mà trước đó không hề có tiền sử dị ứng với thức ăn, triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 6 tiếng hoặc hơn sau ăn bột mì và có hoạt động thể lực như đi bộ, chạy, thời gian điển hình thường từ 1 đến 3 giờ.

TS.BS Bùi Văn Khánh cảnh báo, phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực là bệnh lý dị ứng thức ăn hiếm gặp và dễ bỏ sót chẩn đoán, tuy nhiên đây lại là bệnh lý có nguy cơ lấy đi tính mạng bệnh nhân nếu không được chẩn đoán xác định sớm. 

Do đó, bệnh nhân cần được tư vấn tránh đồ ăn có chứa bột mì, đặc biệt không hoạt động thể lực sau ăn bột mì hoặc được điều trị giảm mẫn cảm nếu cần thiết.