Bệnh nhân đau lưng, đau đầu, liệt 2 chi dưới, đã khám nhiều nơi và uống nhiều thuốc nhưng không phát hiện ra bệnh.

Ngày 8/3, bệnh nhân thăm khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, kết quả chụp phim cộng hưởng từ phát hiện khối áp xe vùng tiểu não kích thước khoảng 22 x 32 mm. Người bệnh đang được dùng thuốc lao điều trị lao phổi, lao cột sống. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy bỏ khối áp xe.

Ca mổ kéo dài 5 giờ vào ngày 16/4, các bác sĩ đã lấy khối áp xe não thành công. Hiện, bệnh nhân đã ổn định

Phim chụp cộng hưởng từ phát hiện khối áp xe não của bệnh nhân. Ảnh: Long Nhật.

Bác sĩ cho biết đây là trường hợp áp xe vùng tiểu não hiếm gặp do lao. Bệnh có thể gây viêm màng não mủ, vỡ áp xe, tụt kẹt não với tỷ lệ tử vong rất cao.

Bệnh nhân lao phổi có sức đề kháng suy giảm nên dễ biến chứng bị lao cột sống, bàng quang, xương và não. Lao não vô cùng nguy hiểm nhất là khi lao tấn công vào tổ chức não và gây ổ áp xe. Vì vậy, bệnh nhân lao cần tuân thủ điều trị, tránh tình trạng lao kháng thuốc lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như sốt kéo dài không dứt, đau đầu không rõ nguyên nhân, buồn nôn, cơ thể mất thăng bằng, yếu liệt 1/2 cơ thể... cần đi khám để điều trị kịp thời. Nếu để lâu ổ áp xe lan rộng trong tổ chức não sẽ khó điều trị, thậm chí gây mù lòa, thần kinh, hôn mê sâu, khả năng phục hồi kém, thậm chí tử vong.

Bệnh lao ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nguy hiểm thứ hai trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có tỷ lệ người bệnh lao cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất thế giới và thứ 15 nước có người bệnh lao kháng thuốc cao nhất trên toàn cầu.

Hằng năm, trên 100.000 người mắc lao được phát hiện và điều trị, tỷ lệ chữa khỏi trên 90%. Số người mắc lao hằng năm đang giảm khoảng 5-6%. Việt Nam đặt mục tiêu không còn người bệnh lao vào năm 2030.