Hét thật to khi bị người lạ động vào "vùng kín"

Các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nổi cộm từ đầu năm trở lại đây đã làm dấy lên mối trẻ có thể bị xâm hại dù ở trong môi trường học đường, môi trường sống bất cứ lúc nào. Điều đáng nói là không phải lúc nào cha mẹ cũng “kè kè” ở bên trẻ.

Sẽ có lúc trẻ phải đi một mình. Phụ huynh đau đầu nghĩ cách làm thế nào để trẻ biết cách xử lý khi bị người lạ “đụng chạm”, ôm hôn, đặc biệt là động vào “vùng kín” trên cơ thể trẻ?

Các vụ việc sàm sỡ, dâm ô trẻ em làm dấy lên mối lo lắng của phụ huynh về sự an toàn của trẻ. 

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe về vấn đề trẻ bị xâm hại, TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội khuyến cáo các bậc cha mẹ nhất thiết phải dạy con ý thức tự bảo vệ bản thân, đặc biệt là khu vực “vùng kín” trên cơ thể.

Theo TS. Thu Hương, khi con ý thức bảo vệ bản thân, không cho người lạ động vào “vùng kín” trên cơ thể, con đã tránh được 50% nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Hét thật to khi bị người lạ động vào “vùng kín”

Rất nhiều người lớn coi việc động vào vùng kín của trẻ, đặc biệt là bé trai là cách bày tỏ tình cảm mà không biết rằng hành động này diễn ra thường xuyên sẽ khiến con không biết mình có nguy cơ bị xâm hại mà có ý thức phòng tránh, thậm chí còn khiến con bị kích dục.

“Bạn cần dạy con trong trường hợp bị người lạ động vào “vùng kín”, con nên hét váng lên thật to để bày tỏ sự không hài lòng. Sau đó con nói với họ thật cương quyết: “Con không thích bị sờ vào người, cô/chú/bác/ông/bà còn làm thế, con sẽ mách công an”.

Dù người quen hay người lạ, khi nghe con hét lên họ cũng hoảng sợ và rụt tay lại ngay, thậm chí thôi ngay ý định xâm hại. Còn nếu con sợ hãi, im lặng, thì kẻ có ý định sẽ càng lấn tới”, TS. Thu Hương cho hay.

TS.Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Bị “động chạm” khi trên xe buýt

Các bé cũng cần được dạy cách xử trí trong trường hợp đang ở trên xe buýt, bị ai đó áp sát để “sờ mó”, “động chạm”. Thực tế đã có không ít trường hợp em học sinh bị kẻ lạ làm như vậy. Và thường em học sinh nữ sẽ xấu hổ, im lặng và kẻ lạ kia có cơ hội lấn tới.

TS. Hương tư vấn nếu con đang đi xe buýt mà có người cứ tìm cách áp sát con, hoặc sờ mó, con rất cần phải hét thật to: “Anh/chú làm gì thế? Đừng có động vào người cháu!”. Câu nói đó sẽ truyền đi thông tin về việc bị kẻ xấu đụng chạm. Mọi người bênh vực con nếu con phản ứng rõ ràng và quyết liệt. Kẻ xấu kia sẽ lủi đi mất.

Kế “thoát thân” khi bị tóm chặt, bắt chạm vào “vùng kín”

Các bé cần hô lớn là “cháy nhà!!” kèm theo đó là hành động giãy giụa dữ dội để thoát thân. Câu hô này sẽ khiến những người xung quanh lao ra ngoài để xem… cháy nhà. Kẻ gian thấy thế sẽ giật mình sợ hãi và buông tay ra.

Nếu cần thiết, các bé cũng có thể đạp thật mạnh vào “vùng kín” của kẻ xấu. Khu vực đó là khu vực có nhiều dây thần kinh, sẽ làm kẻ có ý định hại con đau đến choáng váng. Như vậy, việc thoát ra sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Bị kẻ xấu tóm và động chạm, con hãy la lớn, phản ứng rõ ràng và quyết liệt để thoát thân. Ảnh minh họa.

Rất có thể kẻ bệnh hoạn sẽ yêu cầu con nhìn và chạm vào vùng kín của chúng. Con cần được dạy không được nhìn và chạm vào vùng kín của người lạ, kể cả khi bị yêu cầu.

Nói với con về việc bảo vệ "vùng kín"

Những việc phụ huyn cần làm ngay, đó là nói với con về “vùng kín” trên cơ thể. Vùng kín chính là khu vực con mặc đồ lót.

Phụ huynh cần mua đồ lót cho con mặc ở “vùng kín” và thường xuyên dặn dò con “Tuyệt đối con không được cho ai động vào khu vực này, trừ khi con bị bệnh và cha mẹ đưa con đi bác sĩ để khám”.

Dạy con về khoảng cách khi ứng xử. Chỉ có bố mẹ đẻ, những người chăm sóc, dạy dỗ con mới được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể con. Cha mẹ chỉ động vào “vùng kín” khi tắm rửa cho con.

Ông bà, anh chị em chỉ được cầm tay con, hạn chế tối đa động chạm vào các khu vực khác. Còn hàng xóm, bạn bè của bố mẹ cũng như bạn bè của con, con chỉ nên bắt tay khi chào hỏi. Tuyệt đối không cho họ động vào các phần khác trên cơ thể.

Quy tắc 4 vòng tròn giúp trẻ nhận biết ai sẽ được phép động vào cơ thể con và ở mức độ nào.

Ứng xử phù hợp với người lạ. Bạn cần dạy con không mở cửa cho khách khi bố mẹ vắng nhà.  Nếu con đi trên đường mà có người rủ rê con thì tuyệt đối không đi theo. Nếu họ đi theo con thì con nên chạy đến chỗ chú công an, hoặc các bác phụ nữ lớn tuổi và nhờ đưa con về nhà. Kẻ có ý định làm hại con sẽ nghĩ là con gặp người thân và bỏ đi.

Quy tắc đồ lót: Những khu vực tuyệt đối không để ai sờ soạng. 

Không được tự ý bỏ nhà đi

Ngoài ra, cha mẹ cần xây dựng một số nguyên tắc trong gia đình và yêu cầu con thực hiện nghiêm túc. Đó là các quy định như ra khỏi nhà là cần báo hoặc xin phép bố mẹ, nói rõ đi đâu, làm gì. Không cho phép con ra ngoài đường một mình vào lúc trời tối hoặc lúc đang giận dỗi bố mẹ cũng là cách giúp con phòng tránh xâm hại.

Cha mẹ hãy sử dụng 2 quy tắc quan trọng trong phòng tránh xâm hại: “Quy tắc đồ lót” và quy tắc “4 hình tròn”. “Quy tắc đồ lót” là dạy trẻ mặc đồ lót từ khi lên 4 tuổi và không cho ai động vào khu vực mặc đồ lót -  khu vực nhạy cảm.

"Khi bị động chạm, sờ soạng vào khu vực đó, trẻ biết phản ứng ngay lập tức bằng cách gạt tay ra và la lớn. Báo ngay cho cha mẹ biết nếu có ai động chạm khiến trẻ sợ”. Còn quy tắc “4 hình tròn” mô phỏng những ai được phép động vào cơ thể của con”, TS Hương nhấn mạnh.