Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe sáng 3/7, bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết là một người làm trong lĩnh vực sản phụ khoa lâu năm, bà cảm thấy vô cùng đau xót khi đọc thông tin về vụ việc bác sĩ kéo đứt đầu trẻ sơ sinh tại bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

“Gia đình tôi có truyền thống làm trong ngành sản, làm từ thời chưa có máy móc siêu âm, tất cả đều phải xử lý qua đường dưới nhưng chưa bao giờ xảy ra hậu quả như vậy. Đứa trẻ tử vong thương tâm, ai cũng xót xa, bàng hoàng”, bác sĩ Kim Dung bày tỏ.

Theo dõi thông tin qua báo chí, bác sĩ Kim Dung đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc này. Bà nhìn nhận đây là vụ việc “lỗi hệ thống”, chứ không riêng gì ê kíp trực hôm đó.

BVĐK huyện Đức Thọ. Ảnh: Vietnamnet. 

Theo phản ánh của anh Nguyễn Sỹ Chiến (SN 1977), vợ anh là Nguyễn Thị Tình (SN 1982) mang thai, có dấu hiệu chuyển dạ, được đưa vào BV đa khoa huyện Đức Thọ nhập viện.

Tại đây, bác sĩ thăm khăm khám và cho biết, cổ tử cung đã mở 4 phân, tim thai và sức khỏe sản phụ hoàn toàn bình thường, chờ sinh thường.

Đến 18h30, chị Tình bắt đầu đau dữ dội, thăm khám bác sỹ cho hay tử cung đã mở hết và đưa lên bàn đẻ. Tuy nhiên, đến 19h20 phút cùng ngày, anh nhận được thông báo của ê kíp y bác sỹ là con anh đã tử vong với vết đứt dài trên cổ. Anh Chiến cho rằng, bác sĩ đã kéo đứt cổ trẻ, khiến con anh tử vong.

Thời điểm xảy ra sự cố, ê kíp tham gia đỡ đẻ cho sản phụ Tình có bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền là bác sĩ trực chính, hộ sinh là Hoàng Thị Định và Hoàng Thị Trinh.

Sản phụ Tình đang phải điều trị tại Bệnh viện ĐK Đức Thọ. Ảnh: Vietnamnet. 

“Thứ nhất, không ai nhắc tới tiền sử theo dõi thai kỳ của người mẹ. Mẹ đã từng khám thai bao giờ chưa?

Điều đó không thông tin nào nhắc tới. Nếu người mẹ không có một sự thăm khám thai nào thì vụ việc này xảy ra cũng có một phần lỗi của người mẹ không biết con mình còn đạp hay máy trong bụng.

Thứ hai, tại sao khoa Sản thiếu người đến nỗi phải phân công bác sỹ trực là bác sỹ chuyên khoa Răng Hàm Mặt, chưa từng làm sản khoa. Mãi tới khi có chuyển biến xấu vị bác sĩ trưởng khoa sản mới tới. 

Tôi thấy quá tội nghiệp khi bác sĩ phải nói: “Tôi chỉ giúp các hộ sinh. Các hộ sinh bảo tôi làm gì, lấy cái gì thì tôi sẽ làm cái đó". Một bệnh viện mà không có nữ hộ sinh, không có bác sĩ sản trực trong ca là điều đau xót”, Bác sĩ Kim Dung phân tích.

Câu hỏi thứ ba bác sĩ Dung đặt ra là về cái chết thương tâm của đứa trẻ sơ sinh. Theo nữ chuyên gia ngành sản khoa, thai phụ có thai chết lưu vẫn có thể chuyển dạ bình thường và không thể có chuyện đứa trẻ vừa tử vong lại có hiện tượng rộp, trợt da.

“Không dễ gì một đứa trẻ sơ sinh bị kéo đứt đầu như vậy. Chỉ có thể là tử vong trước đó trong bụng mẹ thì mới có hiện tượng trợt, rộp da, hoại tử, kéo được một lát thì cổ đứt là chuyện dễ hiểu.

Đáng lẽ khi xảy ra sự việc, ê kíp cần phải thông báo ngay cho trưởng khoa, giám đốc bệnh viện, người nhà và thực hiện giám định pháp y, thay vì cuống cuồng xử lý bằng cách khâu lại thi thể đã tan nát. Đó là sai sót trong việc ứng xử của nhân viên y tế khi hậu quả xảy ra.

Tôi cho rằng phải có giám định pháp y xác định rõ ràng đứa trẻ tử vong từ bao giờ, vì nguyên nhân nào? Chứng cứ này sẽ có vai trò quan trọng trong việc xử lý lỗi của bác sĩ, làm sáng tỏ mọi mối nghi ngờ. Phải nhìn nhận vụ việc này một cách tổng thể, dư luận không thể đổ tội lên đầu một mình bác sĩ”, bác sĩ Dung nhận định.

Theo báo Người Lao Động, ngày 2/7, Sở Y tế nhận được Văn bản số 189/BC-BV của BVĐK Đức Thọ báo cáo về việc trẻ sơ sinh tử vong.
Theo báo cáo của bệnh viện, thai phụ Nguyễn Thị Tình mang thai lần 5, thai 35 tuần, có dấu hiệu chuyển dạ và được chuyển vào bệnh viện Đức Thọ lúc 9 giờ 30 ngày 30/6.

Khi vào viện, thai phụ tỉnh táo, thể trạng trung bình, cao 152 cm, nặng 60 kg, da niêm mạc bình thường, không phù, mạch 80 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, nhiệt độ 36,8 độ C, vòng bụng: 88 cm; chiều cao tử cung: 28 cm; ngôi đầu; cơn co tử cung tần số 2/20 giây; cổ tử cung mở 4 cm. Các xét nghiệm máu, nước tiểu đều trong giới hạn bình thường. Bác sĩ chỉ định theo dõi tim thai và cơn co tử cung.

Lúc 18 giờ 35 phút ngày 30-6, tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu lọt, nữ hộ sinh tiến hành đỡ đẻ ngôi đầu nhưng thế không xoay; ngay sau đó báo cáo trực lãnh đạo và bác sĩ chuyên khoa sản trực thường trú đến xử trí.

Đến 19 giờ 6 phút ngày 30/6/2019, bác sĩ Nguyễn Minh Đức đỡ đẻ ngôi đầu, sau đó đầu bị rời khỏi phần thân, phần da nổi phỏng nước, lầy da, các phần chi tím.

Sau khi thai sổ ra ngoài, kíp trực tiến hành khâu phần da và ghi hình ảnh, giải thích cho chồng của sản phụ.

Tình trạng thai nhi sau khi sổ: Da đầu bị bong trợt; da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt, hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày.

Sau khi sự cố xảy ra, bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn và kíp trực để có đánh giá ban đầu về vụ việc; tiến hành niêm phong hồ sơ bệnh án của sản phụ Nguyễn Thị Tình; tạm đình chỉ công tác đối với kíp trực.

Theo bệnh viện thì việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện.

Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. Hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu, tình trạng thai nhi sau khi sổ: Hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày.