Thời điểm “chết người” thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 6

Tính đến ngày 20/8, cả nước đã có 16 trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết, số ca mắc bệnh cũng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù đã sớm có những dự báo, nhưng đến nay số ca sốt xuất huyết ở một số địa phương đã tăng đột biến. Thống kê ở thời điểm hiện tại, dịch sốt xuất huyết 2019 đã rất đáng báo động ở các địa phương với hàng ngàn ca bệnh ghi nhận.

Người lớn mắc căn bệnh này vốn đã rất mệt mỏi, trẻ em lại càng nguy hiểm vì sức đề kháng yếu ớt. Trong khi đó trẻ lại dễ bị mắc bệnh do mải chơi, hay bị muỗi đốt. 

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết thế nào là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh trong thời điểm này. 

Một cú đốt của con muỗi mang mầm bệnh có thể lấy mạng trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.

Theo GS. TS Phạm Nhật An, Tổng thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, Phó chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam, trẻ em là đối tượng mắc sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn do trẻ chưa có ý thức phòng muỗi đốt. Do sức đề kháng còn yếu, lại chưa có kháng thể với bệnh sốt xuất huyết nên trẻ thường mắc bệnh nặng hơn so với người lớn.

Sốt xuất huyết Dengue thông thường thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

Bệnh nhi có thể điều trị tại nhà bằng phương pháp lau mát, uống bù nước, vitamin C, dùng thuốc hạ sốt kết hợp ăn đồ dễ tiêu như cháo, sữa, nghỉ ngơi. Dùng thuốc hạ sốt Paracetamol 10 – 15mg/kg/lần (tránh dùng Aspirin, Ibuprophen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết tiêu hoá và toan máu). Bệnh có thể tự khỏi sau khi cơ thể sản sinh kháng thể.

Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 – 6 sau khi khởi phát bệnh cũng chính là giai đoạn có thể gây chết người do sai lầm trong cách điều trị, chăm sóc trẻ.

Khi đó, sốt có dấu hiệu giảm, cơ thể bắt đầu tái hấp thu nước trở lại nhưng bệnh nhi vẫn được truyền dịch và người chăm sóc chủ quan, nghĩ rằng bệnh nhi đang hồi phục.

“Trong giai đoạn này, nếu vẫn truyền dịch sẽ gây quá tải dịch truyền, dẫn tới tràn dịch màng phổi, tim. Chúng tôi đã từng tiếp nhận trẻ bị sốt xuất huyết biến chứng thoát dịch màng tim, rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Vì thế, không phải lúc nào trẻ bị sốt xuất huyết cũng có thể tự ý truyền dịch”, GS.TS Phạm Nhật An cảnh báo.

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết ở mức cảnh báo  

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết thế nào và làm sao để kiểm soát biến chứng của bệnh luôn là điều làm các bậc cha mẹ lúng túng.

GS.TS Phạm Nhật An khuyến cáo nếu nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết Dengue chuyển sang dấu hiệu cảnh báo, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đi cấp cứu tại bệnh viện. 

Dấu hiệu sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện ngay: Vật vã li bì, lừ đừ, đau bụng vùng gan. Tay chân lạnh, rịn mồ hôi, xuất huyết niêm mạc: nôn ra máu, đi ngoài ra máu, phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi.

Vì sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo sẽ gây thoát huyết tương, cô đặc máu, xuất huyết niêm mạc tiêu hóa, suy tạng nặng, sốc giảm thể tích và nguy cơ tử vong rất cao. 

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là tránh để trẻ bị muỗi đốt. Ảnh minh họa.

Chuyên gia khuyến cáo bí kíp chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết:

- Theo dõi nhiệt độ thân nhiệt thường xuyên.

- Theo dõi tri giác xem trẻ tỉnh táo hay li bì, vật vã.

- Cho trẻ mặc quần áo mỏng, vải cotton, nằm chỗ thoáng mát.

- Lau mát cơ thể bằng nước ấm, lau toàn thân và đắp khăn ở vùng nách, bẹn khi sốt cao.

- Dùng thuốc hạ sốt Paracetamol 10 – 15mg/kg/lần (tránh dùng Aspirin,

Ibuprophen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết tiêu hoá và chuyển hóa toan máu).

- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, bù nước Oresol.

- Không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn, nước uống có vị chua, màu nâu, đỏ như coca, pepsi, dưa hấu, chocolate…vì khó phân biệt với nôn ra máu.