Những lưu ý khi lau dọn bàn thờ

Bước 1: Khấn xin lau dọn bàn thờ

Thắp 1 nén hương, khấn xin phép gia tiên/các quan thần linh/ thần tài.

Thông báo xin được dọn dẹp bàn thờ, xin các Ngài tạm lánh sang một bên để thực hiện việc dọn dẹp.

Đợi hương tàn thì bắt đầu dọn.

Bước 2: Bắt đầu lau dọn

Chuẩn bị bàn to và cao, phủ vải hoặc giấy đỏ, hạ đồ thờ cúng (bài vị, di ảnh, bình hoa, chén nước xuống) rồi để ngay ngắn toàn bộ đồ thờ cúng lên bàn.

Những điều lưu ý khi lau dọn bàn thờ ngày Tết (Ảnh minh họa: Internet)

Dùng khăn sạch đã ngâm rượu gừng 30 phút trở lên, lau toàn bộ các đồ thờ.

Sau đó dùng một khăn khô lau lại lần lượt từng món. Lưu ý trong lúc lau không kẹp đồ thờ vào nách, chân, háng, đặc biệt không vứt đồ thờ cúng lăn lóc, thay vào đó nên để ngay ngắn, trang nghiêm.

Bước 3: Rút tỉa chân hương

Rửa hai tay sạch bằng rượu gừng. Dùng một tay giữ chặt bát hương xuống tránh cho bát hương bị xê dịch.

Lấy khăn khô, chổi khô lau quét toàn bộ bụi trên miệng, xung quanh bát hương xuống bàn thờ.

Sau khi lau dọn, lấy hai tay rút tỉa từng chân hương một cho tới khi chân hương còn số lẻ 1 – 3 – 5 – 7 – 9.

Kế đến lấy một khăn sạch khô lau dọn tàn từ chân hương cũ rơi xuống, rồi dùng khăn ngâm rượu gừng lau lại một lần xung quanh bát hương là hoàn thành.

Lấy khăn khô lau và thu dọn quơ toàn bộ bụi, tro trên bàn thờ xuống.

Lấy một khăn sạch khác cũng đã ngâm rượu, lau lại toàn bộ bàn thờ, sau đó lại dùng khăn khô lau lại một lần nữa.

Bước 4: Khấn báo xong việc

Giặt lại đồ thờ cúng, thay nước, thay chum gạo muối (nếu có ), xong khấn xin thỉnh các Ngài về và báo cáo đã xong việc.

* Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.