Chúng ta sinh con để làm gì?
Con cái là của để dành
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học nói chung và của y học nói riêng, ngày nay con người hoàn toàn có thể chủ động trong việc sinh con, thậm chí can thiệp cả vào những trường hợp không thể sinh theo tự nhiên.
Cũng do nhận thức thuộc hàng “cao cấp” hơn nên ngoài nhiệm vụ duy trì nòi giống, con người được sinh ra còn mang nhiều ý nghĩa và sứ mệnh.
Theo quan niệm xưa, con cái được cha mẹ xem như của để dành dưỡng già. Người ta rất sợ không có con về già sẽ không có ai nuôi, sẽ sống cô quạnh, chết sẽ không có ai “để tang”, không có ai thờ tự, chăm lo mồ mả. Vì thế sinh con càng nhiều càng tốt và nhất thiết phải kiếm cho ra con trai để nối dõi tông đường.
Ngày nay, quan điểm này vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của rất nhiều người. Có câu chuyện như thế này xảy ra cách đây không lâu:
Một bà mẹ có cô con gái kém trí đã hơn 20 tuổi. Trong một lần đi vãng cảnh chùa, bà gặp một người đồng cảnh ngộ, bà kia cũng có anh con trai kém trí đã sắp bước qua tuổi 30. Hai người bèn nảy sinh ý tưởng ráp hai anh chị lại với nhau, mục đích là kiếm cho họ một đứa con để dưỡng già với hy vọng đứa con sinh ra sẽ “sáng sủa” hơn cha mẹ chúng.
Nghĩ là làm, một đám cưới nho nhỏ đơn sơ được hai bên thông gia tổ chức để ra mắt bà con hai họ. Ai cũng chúc phúc cho cặp vợ chồng đặt biệt này và cùng có chung một mong muốn họ sẽ sớm có con.
Cầu được ước thấy, một năm sau, một đứa bé kháu khỉnh ra đời và thật may mắn cháu rất lanh lợi và sáng dạ. Năm cháu lên ba tuổi, một lần được cha dắt ra công viên ở gần nhà chơi. Ông bố kém trí mãi mê xem người ta làm xiếc, thằng bé một mình tha thẩn lại cái hố xăm xắp nước mưa ở gần đó, sẩy chân rơi xuống chết ngạt.
Bà mẹ kém trí sau khi sinh con, đã bị triệt sản nhằm tránh sinh thêm em bé nên không thể nào sinh đứa con khác. Thế là “mộng ước không thành”, hai bà thông gia, ai bắt con về nhà nấy. Người kém trí cũng biết yêu. Anh chồng suốt ngày tới đập cửa nhà gái, khóc lóc, chửi bới, đòi trả vợ về. Chị vợ không nói không rằng, từ người kém trí thành ra người câm, không ăn, không uống, suy kiệt vì bị trầm cảm…
Chỉ vì xem đứa con là nơi nương tựa lúc về già mà người ta “vô tư” đặt lên vai đứa trẻ một trách nhiệm hết sức nặng nề ngay từ khi nó chưa sinh ra đời. Sự “tính toán” này xuất phát từ quan điểm xem con cái như “của để dành”.
Cũng vì xem con cái là một thứ của cải nên tâm lý cha mẹ thường muốn bảo vệ, gìn giữ, nhào nặn chúng theo cái cách của mình, sao cho sau này “có cái mà hưởng”. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào “đãi nhi” cũng đạt được mục đích “dưỡng lão”. Đó là một ván bài hết sức hên xui may rủi.
Trong thực tế có nhiều người con được sinh ra trong hoàn cảnh cha mẹ nghèo khó, thiếu thốn, bị bỏ bê, lam lũ, ít học hành nhưng lớn lên họ vẫn trở thành những người con hiếu thảo. Trong khi có những người con được nâng niu, chăm bẵm, cho ăn học đàng hoàng nhưng lớn lên vẫn ngược đãi cha mẹ hoặc cũng có thể do công việc quá bận rộn của “người thành đạt”, họ không có thời gian để kề cận chăm sóc bố mẹ thành ra giống như bỏ bê.
Con cái là bạn đồng hành
Có một sự thật rằng con cái chúng ta không hề “dự phần” vào quyết định có hay không có mặt trên cuộc đời này. Chính cha mẹ mới là người hoàn toàn định đoạt việc sinh ra chúng. Vì thế, chúng ta có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng và dạy dỗ để chúng khỏe mạnh và hoàn thiện nhân cách, có một cuộc sống tốt đẹp, được xã hội và mọi người quý mến, tôn trọng.
Hãy xem con cái là bạn đồng hành. Một vài người bạn đồng hành sẽ khiến ta cảm thấy không cô độc, sẽ mang lại cho chúng ta biết bao niềm vui và hạnh phúc trên cuộc hành trình. Vì thế chúng ta cần có con cái để bầu bạn.
Hãy đồng hành bên cạnh con, hãy giao cuộc đời con cái chúng ta cho chính nó. Chúng cần đi trên đôi chân khỏe mạnh, nghĩ bằng trí tuệ minh mẫn của chính chúng và có những người bạn đồng hành khác do chúng tìm kiếm khi một mai, trên chuyến tàu đời ấy, chúng ta xuống ở dọc đường mà con cái chúng ta thì còn một quãng dài nữa để đi tiếp.
Tóm lại, sinh con không phải để dưỡng già.
Sinh con để trải nghiệm và tận hưởng nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là khi nhìn thấy kết quả tình yêu chồng vợ được hiển hiện rõ ràng đến mức có thể nâng niu, “cầm nắm”.
“Hạnh phúc của cha mẹ chính là khi được lắng nghe con lớn lên từng ngày trong bụng mẹ, được nhìn thấy con góp mặt trên thế gian này. Và khi con lớn lên, ngoan ngoãn, xinh đẹp, trở thành người hữu dụng, tìm được những người bạn đồng hành của mình thì cha mẹ sẽ phần nào mãn nguyện.
Và cuối cùng hạnh phúc lớn nhất đó là khi cha mẹ giã từ cuộc đời mà vẫn hằng tin rằng mình đã trải qua những tháng ngày hạnh phúc mà không phải làm gánh nặng cho con cái.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...