Tại khoa Ngoại - Chấn thương Bệnh viện Nhi Thái Bình gần đây đã tiếp nhận 1 trường hợp thủng mặt trước hành tá tràng do loét ở trẻ nam 8 tuổi mà không ghi nhận các yếu tố nguy cơ trước đó.

ThS.BS Nguyễn Thị Mai Phương (Khoa Ngoại – Chấn thương), Bệnh viện Nhi Thái Bình, cho biết bệnh nhân nam 8 tuổi trước vào viện 2 ngày trẻ có sốt, tự dùng thuốc hạ sốt ở nhà. Vào sáng 25/11/2022 khi đi học ở trường, trẻ đột ngột xuất hiện đau bụng kèm nôn nhiều. Trẻ được đưa tới khám tại Bệnh viện huyện Quỳnh Phụ và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Tại khoa Ngoại – Chấn thương, trẻ tỉnh, mệt nhiều, da môi nhợt, mạch 115 lần/phút, bụng chướng nhẹ ấn đau khắp bụng, cảm ứng phúc mạc rõ. Xquang ổ bụng không chuẩn bị thấy hình ảnh liềm hơi dưới vòm hoành phải. CT- scanner ổ bụng thấy hình ảnh dịch và khí tự do trong ổ bụng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Kíp phẫu thuật gồm ThS.BS CKII Trịnh Thành Vinh và ThS.BS Nguyễn Thị Mai Phương tiến hành phẫu thuật nội soi. Vào ổ bụng thấy có nhiều dịch đục và giả mạc. Kiểm tra thấy lỗ thủng mặt trước hành tá tràng kích thước ~ 0,7cm, cách môn vị khoảng 2 ,5 cm trên nền ổ loét xơ chai rộng. Quyết định chuyển mổ mở đường trắng giữa trên rốn. Tiến hành lấy 1 mảnh tổ chức tại ổ loét làm giải phẫu bệnh. Khâu lỗ thủng bằng 03 mũi chỉ rời Vicryl 3.0. Rửa ổ bụng, cắt ruột thừa, đặt dẫn lưu dưới gan và Douglas. Sau mổ bệnh nhân diễn biến ổn định, rút sonde dạ dày vào ngày thứ 4, ăn trở lại vào ngày thứ 5. Ra viện sau 12 ngày điều trị.

Theo BS Hương, thủng dạ dày - tá tràng là một cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp. Nếu không được chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 30-50 tuổi, những người có thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, ăn đồ chua, cay nóng, hay căng thẳng kéo dài, lối sống không điều độ, khoa học…

Thủng dạ dày ở trẻ em hiếm gặp nên rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý cấp tính khác như viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột, viêm túi mật, viêm tụy,... Trẻ thường biểu hiện bằng triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn có thể vật vã kích thích, tím tái nếu đến muộn. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Nguyên nhân gây thủng dạ dày - trá tràng thường do loét gây ra bởi vi khuẩn H.pyroli , Stress, NSAID...

"Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn cho rằng trẻ em không bị loét dạ dày tá tràng. Quan niện chung thường cho rằng lét dạ dày tá tràng có nguyên nhân từ tình trạng lo âu căng thẳng trong cuộc sống hoặc do ăn uống quá nhiều thực phẩm chua cay. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu và các chuyên gia đã khẳng định vị khuẩn H.pylori (HP) là nguyên nhân hàng đầu gây loét dạ dày – tá tràng ở người lớn", BS Hương cho hay.

Ngoài ra, theo BS Hương khi các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn cho thấy là trẻ em cũng có thể bị loét dạ dày – tá tràng, người ta nhận thấy rằng, khác với loét xảy ra ở người lớn, H. pylori không được xem là thủ phạm của đa số các trường hợp loét dạ dày – tá tràng ở trẻ em. Một số nghiên cứu phân biệt rõ giữa loét tá tràng thường kết hợp với nhiễm H. pylori và loét dạ dày thường bắt nguồn từ những nguyên nhân khác và được xem như dạng loét tiêu hoá thường gặp nhất ở trẻ em.

Vi khuẩn HP lây qua đường miệng – miệng, nghĩa là gia đình có nguời bị nhiễm HP, học bán trú ăn chung với bạn cùng lớp bị nhiễm HP. Vi khuẩn theo đuờng miệng – phân do vệ sinh ăn uống kém, ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhiễm bẩn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp thủng dạ dày, tá tràng, nhiễm HP chỉ là yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh. Nguyên nhân cũng rất quan trọng là yếu tố tâm lý, học tập căng thẳng, xem tivi, chơi game quá nhiều, thức khuya, ăn nhiều thức ăn nhanh, ăn không đúng giờ giấc…

Một số tình trạng bệnh lý có thể góp phần vào việc hình thành loét dạ dày – tá tràng ở trẻ em. Ví dụ, trẻ em bỏng nặng có thể bị loét dạ dày – tá tràng thứ phát sau stress do chấn thương. Việc dùng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium, có thể làm cho dạ dày dễ bị tổn thương do các tác dụng nguy hại của acid và pepsin, góp phần vào việc hình thành loét.

Chính vì thế các bậc cha mẹ cần lưu ý, nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội phải đi khám ngay tránh các biến chứng nguy hiểm. Nên kiểm tra khả năng bé bị nhiễm vi khuẩn H.pylori. Hạn chế trẻ xem tivi, chơi game, khuyến khích trẻ tập luyện thể thao để cơ thể có sức đề kháng với bệnh tật. Ăn nhiều rau quả, đủ chất dinh duỡng, tránh thức khuya, ngủ đủ đủ thời gian theo lứa tuổi. Trò chuyện, gần gũi khi trẻ bị căng thẳng trong học tập. Đặc biệt nên bỏ tập quán mớm cơm cho con nhỏ để tránh lây nhiễm HP.