Tôi lập gia đình được 13 năm. Tôi và chồng yêu nhau từ thời sinh viên. Hai bên gia đình xa nhau, vì cuộc sống, công việc mà chúng tôi thuê trọ ở gần bên nhà vợ, cách khoảng 10km. Chồng tôi hay nói sống bên này thiệt thòi. Tôi không hiểu nên hỏi thì anh bảo "thiệt thòi gì tự biết". Anh cũng rất hay suy diễn lung tung.

Ảnh minh họa

Lúc con tôi ốm, bà ngoại xuống chăm nuôi, bà có 15 triệu nhưng sợ để trong nhà trọ bị mất nên bảo tôi cầm đi gửi. Chồng biết lại bảo tôi lén đưa tiền cho mẹ đẻ. Tôi buôn bán nên cũng có thu nhập bằng anh nhưng lúc nào anh cũng bảo tôi ăn bám. Trước đây anh nói gì tôi cũng nín nhịn, im lặng vì ở gần nhà vợ sợ anh mặc cảm, nhưng giờ nói lại thì anh bảo tôi giả dối. Bình thường anh cũng quan tâm gia đình nhưng cứ có chuyện gì là như không còn tình nghĩa.

Đợt vừa rồi dì tôi muốn mua đất nên mẹ đẻ tôi lên vay tiền vợ chồng tôi giúp. Sau đó dì lại không mua nữa, mẹ tôi liền mượn lại số tiền đó của dì cho cậu mượn. Hai vợ chồng tôi không biết, lúc hỏi chuyện dì mua đất thì mẹ mới nói. Chồng tôi nói rằng như vậy là lừa dối anh, tiền bạc không minh bạch. Tôi bực quá nên gọi điện cho mẹ mang tiền qua trả luôn. Chồng tôi nói là do vợ gian dối mới giận chứ tiền bạc anh không khó khăn.

Anh nói mình sống xa gia đình nên bị vợ ăn hiếp. Cách đây 3 ngày, anh gọi điện cho mẹ chồng bảo tôi sống giả dối, hai mặt, sau này đừng trông cậy gì. Tôi cảm thấy bị tổn thương. Tôi băn khoăn là anh nói anh thiệt thòi là có ý gì? Tôi phải làm sao vì thực tình không muốn ly dị. Mong chuyên gia và độc giả hãy giúp tôi.

Thúy

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi ý:

Chào bạn Thúy,

Ở đây bạn chưa nhìn ra lỗi của mình mà chỉ mới nhìn thấy lỗi của chồng. Việc liên quan đến tiền bạc cho thấy gia đình bên bạn và bạn không minh bạch, rõ ràng. Chồng bạn cảm thấy bị bạn và gia đình lợi dụng nên mới nói là mình bị thiệt thòi. Phản ứng của anh ấy cũng là rất bình thường. Việc bạn cảm thấy tổn thương, đòi ly dị là không hợp lý.

Chồng bạn cảm thấy bất mãn khi nhìn thấy cách hành xử của bạn với gia đình bên vợ. Tức là quá quan tâm, giúp đỡ mà không để ý đến cảm xúc của chồng. Và anh ấy càng bất mãn hơn khi mẹ bạn cho cậu mượn tiền mà không hề hỏi ý kiến vợ chồng bạn. Mẹ bạn cư xử như vậy là coi thường chồng bạn. Vì cảm thấy tổn thương, thiếu tôn trọng và bị lạm dụng nên anh ấy mới nói bị bạn ăn hiếp, thiệt thòi. Và khi cảm thấy không chịu nổi, anh ấy sẽ phản ứng lại bằng cách tiêu cực như gọi điện nói chuyện với mẹ chồng. Nói để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, ức chế, bực bội, dồn nén bấy lâu trong lòng. Tuy nhiên bạn không hiểu chồng mà còn cảm thấy bị tổn thương.

Bạn nên nhìn nhận lại mọi chuyện một cách khách quan, xem lại cách hành xử của mình với chồng. Có thể bạn quen với văn hóa gia đình mình là hay lấn lướt, tiếm quyền chồng trong mọi quyết định của gia đình; cũng có thể bạn quen với việc gia đình bạn hay giúp đỡ cho người thân, họ hàng khi họ cần tiền. Nhưng bạn là gái đã có chồng, bạn nên cân nhắc mức độ vừa phải, cần tôn trọng ý kiến của chồng, trong việc này anh ấy cũng có quyền quyết định. Một số người vợ có quan niệm rằng, khi mình làm ra nhiều tiền là mình có quyền quyết định mọi thứ trong nhà mà không cần bàn bạc với ai. Đây là ý nghĩ sai lầm và rất đáng ghét của phụ nữ. Bạn có biết rằng đôi khi cái cảm giác “mình là chủ nợ của nhiều người, là người quan trọng, ai cũng cần mình…” là cái bẫy ngọt ngào đẩy cái tôi của bạn ngày càng lên cao. Nó khiến bạn ngày càng “khó thương” và cũng đẩy bạn tới bi kịch của việc phải đóng vai thiên thần, luôn là cứu tinh cho người khác dù trong lòng đau tức, tâm không an…

Còn chuyện muốn ly dị thì bạn nên cân nhắc kỹ, bởi cách phản ứng của chồng bạn là hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh này. Bạn nên nhớ một điều, trong mối quan hệ vợ chồng, khi lòng tôn trọng nhau không còn nhiều thì khả năng tan vỡ hôn nhân sẽ rất cao, và bạn cũng cần biết, dù là bất kỳ ai, kể cả cha mẹ anh em, con cái hay vợ chồng thì tiền bạc cần phân minh, không nên mập mờ, thiếu rõ ràng.

Chúc bạn bình tĩnh nhận ra mọi việc.