Để có thể đáp ứng các nhu cầu thường xuyên, bạn phải có tiền. Muốn thực hiện, làm điều mình thích, bạn cũng cần phải có tiền. Muốn những ngày tháng sau này không chật vật vì tiền bạc, cách duy nhất là tạo cho mình những thói quen chi tiêu tốt ngay từ hôm nay.

Nhiều người hay biện minh cho việc chi tiêu bất hợp lý của mình bằng lý do: "Mình còn trẻ", "Mình lương có bao nhiêu đâu mà tiết kiệm được", "Thì cũng phải đảm bảo sức khỏe với các nhu cầu chứ tằn tiện rồi ốm ra đấy thì sao"... Sự thật là bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm mà vẫn đảm bảo sức khỏe cũng như đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, tiết kiệm phù hợp với tình trạng của bản thân. 

Từng rơi vào trạng thái vợ chồng son chi tiêu thoải mái, chưa hết tháng đã không biết tiền "đi" đâu song giờ đây Huyền Trang (27 tuổi, Hà Nội) có thể tự tin chia sẻ về một bí kíp nhỏ giúp tài chính trở nên rủng rỉnh hơn mà còn cải thiện sức khỏe. 

"Ở đây có vợ chồng nào vẫn đau đáu với việc làm sao để tiết kiệm chưa? 

Em với chồng em từng là cặp đôi tiêu hôm nay không biết đến ngày mai. Giờ nhìn lại thì em nhận ra được điều đấy chứ lúc đó thì chẳng nghĩ mình tiêu hoang gì đâu. Cuối tháng chưa đến mà đã chẳng biết tiền bay hết đi đâu rồi. Cái vòng vay chờ lương, có lương lại trả nợ rồi gần cuối tháng lại vay tiếp không biết kéo dài bao nhiêu lâu. 

Thế rồi một ngày, trong lúc hai đứa chí chóe về thói xấu của nhau, bọn em đã đưa ra một quyết định mà không ngờ nó lại có hiệu quả đến vậy. Chuyện là lão chồng em thì nghiện thuốc lá thôi rồi, ngày "đốt" 1 bao là chuyện rất bình thường, em thì lại bị lão ấy nói về chuyện hay ốm đau lại lười tập thể dục. Vậy là hai vợ chồng mua 1 lọ thủy tinh thật to rồi "quyết đấu". 

Ảnh minh họa. 

Lão ấy nói em mà tập thể dục được đều đặn thì có mà trời sập. Lòng tự trọng bị động chạm, em nhận luôn nếu ngày nào em không tập em sẽ đút vào lọ 100 nghìn. Đổi lại, lão ấy mà hút thuốc thì cũng 100 nghìn/điếu. 

Hai đứa tính đều trẻ con cả nên "máu" lắm, nhận lời "khiêu chiến" luôn. Về sau bọn em còn đưa ra thêm nhiều thói xấu bị phạt nữa, như vứt quần áo lung tung này, về muộn không ăn cơm mà không báo này... kèm theo mức phạt. 

Ban đầu hai đứa "nhận kèo" chỉ là vì cái tôi, sau một thời gian thì nhận ra sức khỏe cải thiện hẳn mà còn tiết kiệm được một đống tiền nữa. Ngày hai vợ chồng quyết định "phá kho", ai cũng bất ngờ vì số tiền đủ hẳn cho một chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm đó". 

Cân đối thu chi, làm sao để có thể tiết kiệm mà vẫn đảm bảo các nhu cầu thiết yếu là bài toán của rất nhiều người không riêng gì các cặp vợ chồng trẻ. Chủ đề này chưa bao giờ hết nóng, đặc biệt trong các diễn đàn đông thành viên là nữ. 

"Cách này hay quá này. Chồng em cũng nghiện thuốc lá ghê lắm. Chưa nói đến đoạn tốn kém thì ảnh hưởng sức khỏe vô cùng. Em sẽ gạ lão để làm thế này mới được". 

"Vậy là vừa tiết kiệm được tiền, hai vợ chồng lại cải thiện sức khỏe nhỉ. Cách này nên được áp dụng ở nhiều gia đình". 

"Chồng em không nghiện thuốc nhưng nghiện chơi điện tử lắm. Giờ em phải "ủ mưu" xem làm thế nào cho lão sĩ lên và chấp nhận trò này mới được". 

Có rất nhiều cách để bạn có thể tiết kiệm được với thu nhập trung bình. Phạt thói quen xấu là cách giúp bạn vừa tiết kiệm được tiền lại hạn chế được việc lặp lại các thói quen xấu này. Bạn có thể tự đặt ra các quy tắc cho bản thân, thực hiện với chồng hay rủ một nhóm bạn cùng thực hiện... Các thói quen xấu sẽ dần được hạn chế, bạn lại tiết kiệm được một khoản không nhỏ mà không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.