Những ngày cuối năm, mỗi gia đình người Việt thường lau dọn bàn thờ để thể hiện lòng thành kính lên Trời Phật,  chuẩn bị đón ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Tuy nhiên, lau dọn bàn thờ thế nào cho đúng để chiêu tài rước lộc, tránh phạm phải đại kỵ thì không phải ai cũng biết.

Dưới đây là những lưu ý gia chủ  phải nhớ khi lau dọn bàn thờ để gia đạo an yên, năm mới phát tài phát lộc.

Trước khi lau dọn bàn thờ, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ để tránh uế tạp - Ảnh minh họa: Internet

1.Chọn người lau dọn bàn thờ

Nếu nghĩ rằng ai cũng có thể lau dọn bàn thờ thì bạn đã nhầm. Người xưa quan niệm rằng, khi lau dọn bàn thờ, tỉa chân hương nên chọn người thành tâm và kính cẩn với bề trên, tổ tiên. Khi lau dọn, cần tỉ mỉ, cẩn thận để tránh gây đổ vỡ.

Trước khi bắt đầu lau dọn bàn thờ, người thực hiện cần tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề. Thay vì dùng nước trong, bạn nên dùng rượu gừng để lau dọn. Rượu gừng này sẽ giúp tẩy uế của năm cũ, chào đón những điều tích cực đến với gia chủ trong năm mới.

Thắp hương xin phép Thần Phật, tổ tiên trước khi lau dọn bàn thờ là điều gia chủ không được quên - Ảnh minh họa: Internet

2. Thắp hương vái lạy xin phép bề trên trước khi lau dọn

Trước khi lau dọn bàn thờ, gia chủ phải thắp hương khấn vái, xin phép Thần Phật, gia tiên tạm lánh để con cháu thực hiện công việc của mình. Khi lau dọn, bạn cần thực hiện theo thứ tự, lau chùi bài vị hay tượng của Thần Phật trước, sau đó thay nước mới rồi tiếp tục lau chùi bài vị gia tiên.

Gia chủ tuyệt đối không được dùng nước lạnh để lau chùi bàn thờ mà phải dùng rượu gừng hoặc nước ấm. Việc lau dọn bàn thờ dịp cuối năm phải được thực hiện trước ngày 23 tháng chạp để kịp giờ ông Táo về chầu trời.

Tự ý dịch chuyển vị trí lư hương sẽ khiến vận tài lộc đi xuống, hao tài tốn của - Ảnh minh họa: Internet

3. Không được dịch chuyển vị trí lư hương

Lư hương không chỉ là nơi để gia chủ cắm hương sau khi khấn vái, đây còn được xem là tài khố của gia đình. Việc dịch chuyển vị trí lư hương sẽ khiến vận khí của gia đình bị ảnh hưởng, nhẹ thì hao tài tốn của, nặng thì lâm vào cảnh trắng tay.

Ngoài những điều cần lưu ý khi lau dọn bàn thờ trên, gia chủ còn phải tránh những điều sau:

-Khi lau dọn lư hương, gia chủ chỉ nên cho thêm cát vào lư hương thay vì trút hết cát cũ ra và cho cát mới vào. Cát và tro trong lư hương chính là lộc lá Trời Phật, ông bà tổ tiên ban cho gia đình bạn, vứt bỏ chúng đồng nghĩa với việc vận may sẽ tiêu tán.

-Gia chủ không nên rút hết chân hương khi vệ sinh bàn thờ, hãy để lại 3, 5, hoặc 7 chân hương.

-Tuyệt đối không dâng hoa quả giả lên bàn thờ, đây được xem là hành động bất kính với bề trên.

Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.