Bạn chắc chắn đã nghe nói rằng thói quen ăn uống hàng ngày có thể ảnh hưởng đến cơ thể của bạn theo nhiều cách. Ví dụ, những gì bạn ăn có thể ảnh hưởng đến việc máu lưu thông khắp cơ thể tốt như thế nào cũng như ảnh hưởng đến mức huyết áp của bạn. Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng, chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể mang lại lợi ích cho các mạch máu của bạn.

Nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Nature Metabolism, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem chế độ ăn uống có thể mang lại lợi ích như thế nào cho sức khỏe tổng thể bằng cách giảm các dấu hiệu phân tử có khả năng gây ra các bệnh, chẳng hạn như "khiếm khuyết mạch máu và rối loạn chức năng tế bào nội mô (EC)".

Chế độ ăn uống lành mạnh mang lại lợi ích cho các mạch máu của bạn.

1. Thói quen ăn uống lành mạnh giúp mạch máu khỏe hơn
Cụ thể hơn, nghiên cứu đánh giá mức độ các EC nằm bên trong mạch máu và "kiểm soát việc vận chuyển chất dinh dưỡng, chất chuyển hóa, oxy và carbon dioxide giữa máu và các cơ quan" bị ảnh hưởng bởi bệnh béo phì.

So sánh tác động của chế độ ăn uống lành mạnh với chế độ ăn uống tương đối không lành mạnh của phương Tây qua thí nghiệm ở chuột, các tác giả nghiên cứu nhận thấy rằng: "Béo phì gây ra những thay đổi cụ thể của cơ quan trong EC" và thói quen ăn uống lành mạnh hơn có thể dẫn đến cải thiện sức khỏe phân tử của một số mạch máu.

Ví dụ, trong khi các mạch máu ở gan cho thấy sự cải thiện đáng kể đến mức họ thấy sự phục hồi gần như hoàn toàn, thì các mạch máu ở thận lại không có kết quả khả quan tương tự. Thay vào đó, các mạch máu trong thận giữ lại các dấu hiệu phân tử có liên quan đến bệnh tật.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, can thiệp chế độ ăn uống có thể giảm thiểu một phần những thay đổi về trọng lượng cơ thể, khối lượng chất béo và bảng điểm EC, cho thấy giảm cân và cải thiện sức khỏe trao đổi chất có tác động tích cực tổng thể đến lớp nội mô.

Blanca Garcia - một chuyên gia dinh dưỡng tại HealthCanal chia sẻ: "Một chế độ ăn uống lành mạnh cho phép cơ thể nhận được các chất dinh dưỡng chất lượng cao và có thể giúp tất cả các tế bào của cơ thể nhận được lượng chất dinh dưỡng cần thiết để tiếp tục tái tạo. Điều này cũng bao gồm các mạch máu, vì chúng được tạo thành từ chính các tế bào và để các tế bào khỏe mạnh, các chất dinh dưỡng đi qua cần phải được cân bằng".

Cách bạn nuôi dưỡng cơ thể có thể ảnh hưởng đến xu hướng mắc bệnh của bạn.

2. Thay đổi chế độ ăn giúp ngăn ngừa béo phì và các bệnh mạn tính
Mặt khác, Garcia giải thích rằng chế độ ăn "không mong muốn cho cơ thể", bao gồm một lượng đáng kể thực phẩm chế biến sẵn, ít trái cây và rau quả, và "lượng chất dinh dưỡng tổng thể mất cân bằng", có khả năng cao dẫn đến béo phì.

Garcia cho biết: "Béo phì thường làm phức tạp các hệ thống cơ quan và góp phần gây ra các bệnh mãn tính. Nhìn chung, một chế độ ăn uống không mong muốn có thể ngăn cản các mạch máu nhận đủ lượng chất dinh dưỡng chất lượng tốt".

Béo phì đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới do chế độ ăn uống và lối sống thay đổi, với 650 triệu người trưởng thành được phân loại là béo phì. 

Béo phì thúc đẩy sự phát triển của nhiều bệnh cấp tính và mạn tính, bao gồm xơ vữa động mạch, suy tim, thoái hóa thần kinh, đột quỵ, tăng huyết áp phổi, bệnh mạch máu thận, rối loạn chức năng vi mạch và một loạt biến chứng mạch máu gan. Tất cả các rối loạn này đều liên quan đến khiếm khuyết mạch máu, cho thấy rối loạn chức năng mạch máu ở bệnh béo phì là một cơ chế chung của bệnh.