Ở tuổi 23, Tiểu Chu (Trung Quốc) cảm thấy rất xấu hổ vì mình vẫn mắc chứng đái dầm. Anh xấu hổ không dám kể với bố mẹ nên khi thức dậy vào buổi sáng, anh phải lén giũ ga trải giường rồi cho vào máy giặt.

Mấy tháng nay, anh cũng đã đến Khoa thận, Khoa tiết niệu, thậm chí cả Khoa hoa liễu nhưng không tìm ra nguyên nhân gây đái dầm. Anh thậm chí còn kiên quyết không uống nước sau 8 giờ tối nhưng tình trạng đái dầm vẫn không thuyên giảm.

Trong thời gian này, người nhà anh thường xuyên giục Tiểu Chu đi xem mắt, điều này khiến anh cảm thấy rất khó xử. Anh tự nhủ: "Mình giống như đứa trẻ hai, ba tuổi ban đêm tè ra quần, làm sao có thể yêu mà cưới được?".

Tới phòng khám, điều các bác sĩ đầu tiên nhận thấy là Tiểu Chu có ngoại hình khá "đồ sộ", với chiều cao 180cm và hơn 100kg. Anh chàng cho biết, mình luôn cảm thấy bản thân ngủ không đủ giấc, sáng dậy cơ thể vô cùng uể oải, mệt mỏi dù đêm hôm trước có ngủ 8 hay 10 tiếng thì tình trạng này vẫn cứ xuất hiện.

Khi được hỏi liệu anh có ngáy vào ban đêm không, Tiểu Chu cho biết anh đã ngáy khi ngủ từ khi còn nhỏ. Những người bạn cùng phòng đại học của anh thường nói đùa về chứng ngáy to của anh.

Ảnh minh họa

Dựa trên những mô tả khác nhau của Tiểu Chu, bác sĩ đề nghị anh nên theo dõi nhịp thở khi ngủ.

Kết quả là Tiểu Chu được chẩn đoán mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nghiêm trọng (OSA). Vào đêm theo dõi, số lần giảm thông khí khi ngủ mỗi giờ lên tới khoảng 60 lần, lâu nhất là hơn một phút. Việc theo dõi nồng độ oxy trong máu cũng cho thấy đêm hôm đó anh rơi vào tình trạng thiếu oxy trầm trọng.

Bác sĩ giải thích OSA sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ, khiến anh buồn ngủ và thiếu năng lượng vào ban ngày. Theo thời gian, nó cũng có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ và đau tim. Hơn nữa, về mặt lý thuyết, đái dầm cũng có thể là biểu hiện của OSA.

Bác sĩ đề nghị Tiểu Chu đeo máy thở khi ngủ và điều trị bằng thông khí áp lực dương, đồng thời cải thiện tình trạng của anh thông qua việc điều chỉnh lối sống như giảm cân, bỏ hút thuốc và uống rượu cũng như ngủ nghiêng.

Sau khi áp dụng các biện pháp này, trong lần tái khám, Tiểu Chu vui vẻ nói rằng khoảng một tháng trở lại đây, chất lượng giấc ngủ của anh đã cải thiện, ban ngày không còn buồn ngủ nữa, quan trọng nhất là tình trạng đái dầm đã không xảy ra nữa.

 

Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Theo Cleverland Clinic, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là khi đường thở bị tắc nghẽn khiến không khí không thể di chuyển qua khí quản khi bạn đang ngủ. Sự tắc nghẽn và thiếu luồng không khí có thể khiến nồng độ oxy trong máu giảm xuống, kích hoạt phản xạ sinh tồn trong não khiến bạn tỉnh dậy vừa đủ để thở lại.

Mặc dù phản xạ đó là chìa khóa giúp bạn thở nhưng nó cũng làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Khi giấc ngủ của bạn bị gián đoạn nhiều hơn, chất lượng giấc ngủ của bạn sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến một loạt các triệu chứng, nhiều triệu chứng trong số đó gây rối loạn hoặc có khả năng nguy hiểm.

OSA có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng nó phổ biến hơn trong một số trường hợp:

- Trước 50 tuổi, tình trạng này phổ biến hơn ở nam giới và sau 50 tuổi ở nữ giới. 

- Mọi người có nhiều khả năng phát triển nó khi họ già đi. 

- Thừa cân hoặc béo phì làm tăng mạnh nguy cơ phát triển bệnh này.

OSA có nhiều triệu chứng. Một số điều này xảy ra khi một người thức, trong khi những điều khác xảy ra khi một người đang ngủ.

Các triệu chứng khi một người đang thức bao gồm: Cảm thấy mệt mỏi hoặc thậm chí kiệt sức khi thức dậy dù đã ngủ từ 8 tiếng trở lên; Ngủ ngày; Thay đổi tâm trạng (trầm cảm và lo lắng); Sự gián đoạn trong chức năng não (mất trí nhớ, khó tập trung hoặc các vấn đề khác liên quan đến não); Nhức đầu; Mất ngủ; Rối loạn chức năng tình dục.

Các triệu chứng khi một người đang ngủ bao gồm: Ngáy; Thức dậy vào giữa đêm; Ngưng thở khi ngủ mà người khác chứng kiến; Đổ mồ hôi đêm và cảm thấy bồn chồn trong giấc ngủ; Thức dậy với cảm giác khó thở hoặc như bị nghẹn.

Nguồn và ảnh: QQ, Cleverland Clinic