Dây rốn chính là bộ phận vận chuyển các chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ sang bào thai. Bộ phận này bao gồm các mạch máu ở giữa và phần thạch wharton trong suốt xung quanh.

Sau khi trẻ chào đời, dây rốn sẽ được kẹp và cắt làm tắc các mạch máu, phần còn lại gọi là cuống rốn. Trong quá trình tiếp xúc với môi trường bên ngoài, mô thạch wharton chuyển màu đậm hơn, khô dần giúp cuống rốn rụng đi.

Cuốn rốn trẻ sơ sinh là bộ phận truyền chất dinh dưỡng khi bé nằm trong bụng mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương – Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM cho biết thông thường rốn trẻ sơ sinh sẽ rụng trong khoảng 5 – 15 ngày sau sinh. Cha mẹ cần chăm sóc đúng cách và quan sát quá trình rụng rốn của bé cẩn thận. Cuống rốn không được vệ sinh sạch sẽ, bị bít kín sẽ dễ bị ẩm ướt, khó rụng, các chất tiết từ cuống rốn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng.

Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

Nguyên tắc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết nguyên tắc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh bao gồm 3 không: Không băng, không bôi, không rửa khi rốn không bẩn.

Theo đó, cha mẹ cần để hở rốn sau khi đã tháo kẹp rốn, không nên băng kín như cách chăm sóc thường gặp tại nhiều gia đình. Cách chăm sóc này đã được Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên áp dụng. Cha mẹ không nên lo lắng vi khuẩn từ bên ngoài vào gây nhiễm trùng rốn. Trên thực tế, khi mẹ ôm bé, da mẹ áp vào rốn và vùng da quanh rốn sẽ tạo điều kiện cho các lợi khuẩn trên da mẹ di chuyển sang da trẻ sơ sinh, giúp bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài. 

Cha mẹ cần nắm nguyên tắc 3 không khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Khi quấn tã cho trẻ sơ sinh, cha mẹ hãy gấp bờ trên tã ra ngoài và xuống dưới, tránh bao bọc làm ẩm rốn và tránh nước tiểu, phân dính vào rốn. Cha mẹ có thể cho trẻ sơ sinh mặc quần áo rộng rãi, kín bụng, tránh cọ xát hoặc trang phục để hở rốn.

Bên cạnh đó, cha mẹ chú ý không bôi bất kỳ chất gì vào rốn như kháng sinh, cồn iod, dầu gió, tiêu bột... Những chất này sẽ thấm qua da trẻ làm tổn thương, kích ứng hoặc gây nhiễm độc da.

Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh cần lưu ý gì?

Nếu rốn trẻ sơ sinh vẫn khô sạch, cha mẹ không nên rửa vì sẽ làm rốn ướt khiến thời gian rụng chậm hơn. Quan sát thấy cuống rốn có rỉ dịch hay máu, cha mẹ hãy lau sạch với bông gòn và nước muối sinh lý (natri clorid 9‰) rồi để thoáng. Lưu ý lau các nếp gấp sâu quanh rốn. Vì rốn không có dây thần kinh nên sẽ không gây đau cho trẻ. 

Khi cuống rốn trẻ sơ sinh khô dần, cha mẹ hãy để rụng một cách tự nhiên. Khi cuống rốn còn bám rất ít vào chân rốn, cha mẹ đừng cố gắng kéo hay giật ra kẻo gây chảy máu.

Cuống rốn trẻ sơ sinh sẽ khô lại và rụng một cách tự nhiên - Ảnh minh họa: Internet

Ở nhiều trẻ sơ sinh, cuốn rốn rụng sẽ để lại mô sẹo màu hồng gọi là u hạt rốn hay chồi rốn. Những u hạt này sẽ rỉ tí dịch hơi đục ánh vàng và sẽ tự mất trong khoảng một tuần. Lúc này, cha mẹ hãy rửa rốn với nước muối mỗi ngày 1 lần trong khi đợi u hạt rốn tự mất.

Khi rốn trẻ sơ sinh đã lành hẳn (không còn u hạt rốn), cha mẹ không nên làm ướt rốn bé. Không nhúng bé vào chậu tắm mà chỉ gội đầu, lau cơ thể bé bằng khăn ướt. 

Cha mẹ nên cẩn trọng khi tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn - Ảnh minh họa: Internet

Khi rốn bé có dấu hiệu hôi, chân rốn chảy nước vàng hoặc chảy mủ, da xung quanh chân rốn sưng đỏ, chảy máu rốn không cầm được, rốn không rụng sau hơn 3 tuần, u hạt rốt kéo dài hơn 7 ngày, rốn tiết quá nhiều dịch.... cha mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa.