Tranh cãi trong vợ chồng là điều khó tránh khỏi, ai cũng có lúc rơi vào sự mâu thuẫn và không tìm ra lối thoát tại một thời điểm nào đó. Có người sẽ im lặng và tự chịu đựng một mình, có người sẽ chia sẻ cho người thân bạn bè, hoặc trút giận lên người khác vô thức. 

Trường hợp sau cùng xảy ra thường xuyên hơn cả. Khi vợ hoặc chồng đang gặp vấn đề mâu thuẫn sẽ rơi vào trạng thái khó chịu, tức tối, dễ dàng đẩy cơn giận trong vô thức cho người thân, vợ, chồng hoặc con cái.

Một dự án nghiên cứu, đứng đầu là GS.Gordon Harold, đã cho chúng ta thấy một số điều sau:

- Những trẻ em thường chứng kiến các cuộc tranh cãi của cha mẹ sẽ có hành vi giao tiếp kém khi ở trường, trong công việc.

- Các cuộc tranh cãi diễn ra ở thế hệ trước sẽ nối tiếp với thế hệ kế tiếp. Ví dụ, gia đình thường tranh cãi và ẩu đả, khi con cái kết hôn cũng sẽ lặp lại những điều này. Kết quả đều dẫn đến các cuộc chia ly không đáng có.

Các cuộc tranh cãi diễn ra ở thế hệ trước sẽ nối tiếp với thế hệ kế tiếp. Ảnh: Het Nieuwsblad.

- Cha mẹ cãi vã thường liên quan đến sự không thành công của trẻ sau này. Trẻ càng nhỏ (đặc biệt khi nhỏ hơn 8 tuổi) chứng kiến cha mẹ tranh cãi có mức liên quan cao đến sự kém thành công của bản thân trẻ. Bởi thời điểm chứng kiến rơi vào khi trẻ phát triển nhận thức nhạy cảm. 

Cãi vã khó tránh nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giảm đến mức tối thiểu. Dưới đây là một số gợi ý giúp cha mẹ có thể tạo môi trường tốt nhất cho trẻ:

- Khi ai đó bắt đầu tỏ ra hung hăng hoặc lớn tiếng, người còn lại hãy im lặng, đừng nói hay tranh cãi lại. Cơn giận của họ sẽ tự biến mất theo thời gian.

- Khi hai vợ chồng có mâu thuẫn, nhưng chưa ai có biểu hiện hung hăng, hãy tìm một góc không có trẻ hoặc đến nơi khác để nói chuyện. Vợ chồng cần cố gắng tìm nút gỡ, không nên tìm lý do để chất vấn nhau.

- Không bao giờ dùng vũ lực trước mặt con trẻ, dù trẻ nhỏ hơn 1 tuổi. Vũ lực là hành vi không chấp nhận được về nhận thức xã hội, nó thể hiện sự yếu kém trong ngôn ngữ và nhận thức.

Vợ chồng cần cố gắng tìm nút gỡ, không nên tìm lý do để chất vấn nhau. Ảnh: Sigmalive.

 -Có những mâu thuẫn dẫn đến chia ly mà không thể cứu vãn thì hãy làm chúng nhẹ nhàng hơn với con trẻ. Thực tế, con không có lỗi trong cuộc chia ly này. Đây là mâu thuẫn của cha mẹ, giữa hai người lớn, trẻ con vẫn cần có cha mẹ. Bạn không nên ích kỷ tước mất quyền này của bé. Bạn nên cho cha/mẹ đến thăm, vui chơi, chăm sóc bé như bình thường.

Khi trẻ hơn 10 tuổi, có thể cho bé biết về tình trạng của hai người nhưng cần cho trẻ hiểu: "Cha mẹ không sống chung, nhưng cả hai đều yêu thương con". Điều này cần thiết để trẻ sống trong hạnh phúc. Cha mẹ đừng trút thù hận cá nhân lên tâm hồn con trẻ. Thù hận chỉ đang giết chết suy nghĩ của bạn, phải sống với nó. Trẻ cũng có một cuộc sống, hãy cho con cuộc sống tốt nhất.

- Khi cha mẹ tranh cãi con lỡ chứng kiến, bạn đừng cố giấu hoặc nghĩ rằng trẻ con không cần biết. Trẻ chứng kiến cuộc tranh cãi của bạn, thì cần cho biết chuyện gì đã xảy ra. Nếu hai bạn đã hòa thuận lại nên cùng cho trẻ biết rằng: "Cha và mẹ chưa thống nhất với nhau về một vấn đề nào đó. Có khi nào con cảm thấy không vui và không đồng ý với bạn của mình không? Cha mẹ cũng như vậy. Bây giờ cha mẹ đã thống nhất".

Nếu trường hợp hai bạn chưa hòa thuận, mỗi người nên cho trẻ lời giải thích, đơn giản chỉ cho trẻ biết: "Cha có quan điểm điều này, nhưng mẹ có suy nghĩ khác. Nhưng con yên tâm, cha mẹ sẽ thống nhất được với nhau". Khi hai bạn thống nhất, hãy quay lại giải thích với trẻ như cách ở trên.

Bác sĩ Anh Nguyễn

ĐH Worcester, Vương quốc Anh