Chị Phùng Thị Lương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết con gái chị mới 3 tuổi và trong hai tháng qua đã đi viện 3 lần. Cuối tháng 9 con ốm sốt liên tục 3 ngày, đau tai, chị cho con đi khám bác sĩ cho biết bé bị viêm tai giữa cấp tính, vì sốt cao không hạ nên phải nhập viện.

Con vừa điều trị về được ba hôm lại sốt, sưng đau họng, không ăn uống được, chị Lương lại cho con vào viện lần nữa. Bé được chẩn đoán nhiễm cúm B. Cả tuần nằm viện và bệnh viện quá tải nên 3 - 4 bé mới được một giường, bà mẹ luôn ám ảnh vì sợ lây chéo cho con nên lúc nào con thức chị Lương lại bế con đi lại ra khu hành lang, ban công cho thoáng.

Giữa tháng 10, con lại sốt, nôn ói, viêm kết mặc mắt. Bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm Adeno virus cho con theo dõi ngoại trú. Bé sốt 3 ngày kèm tiêu chảy, chị Lương có lúc bấn loạn vì con mắc hết bệnh này tới bệnh khác. 

Chị Nguyễn Thị Lan – giáo viên mầm non tại Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ lớp mầm non 5 tuổi của chị có 24 học sinh thì trong tuần vừa rồi sĩ số đi học chỉ đạt 1 nửa. 

Tương tự, lớp học của con chị Vũ Thị Hồng Nhung (lớp 4), tại Thanh Xuân, Hà Nội sĩ số 51 học sinh thì có tơi 15 con nghỉ vì ốm. Chị Nhung cho biết ngày nào cô giáo cũng cập nhật học sinh nghỉ ốm để bố mẹ các con theo dõi sức khỏe và báo cáo cô giáo. Trẻ ốm do nhiễm cúm, Adenovirus, Covid-19… liên tục gia tăng trong tháng 10.

Vừa đưa con điều trị một tuần tại BV Nhi Trung ương, anh Vũ Thanh Hải – Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết hai bé nhà anh đều nhiễm Adenovirus. Bé nhỏ 8 tháng viêm phổi nên anh cho cả hai con nhập viện để hai vợ chồng cùng chăm con.

Ban ngày vợ anh một mình chăm hai con, buổi tối anh vào phụ với vợ. Năm 2022, con gái bé lúc 2 tháng tuổi nhập viện Đa khoa Xanh Pôn vì nhiễm hợp bào virus rồi lại lần lượt tới cúm A, cúm B và đến hiện tại là Adenovirus.

Ảnh minh họa. 

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc BV Đa khoa An Việt, hiện nay số lượng trẻ nhỏ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới đều tăng vọt. So với các năm trước, số bệnh nhi vào khám tăng lên rõ rệt, đa số trẻ mắc các bệnh liên quan tới hô hấp do virus.

Hiện tại, có nhiều virus gây nên như dịch cúm A, cúm B, virus hợp bào đường thở (RSV) và đặc biệt là virus adeno, chưa tính tới các dịch sốt do các loại virus thông thường gây ra.

Theo PGS An, khi trẻ có các triệu chứng viêm hô hấp, cha mẹ không nên cho con uống kháng sinh vội. Hiện tại, đa số bệnh do virus gây nên nếu uống kháng sinh đều không có tác dụng. Kháng sinh chỉ dùng cho trường hợp bội nhiễm và được kê đơn của bác sĩ.

Trường hợp trẻ ốm nhiều đợt, suy giảm miễn dịch, bác sĩ An khuyến cáo, cha mẹ nên tăng đề kháng cho con bằng cách cung cấp đủ dinh dưỡng, có thể sử dụng bổ sung thêm các vi chất theo khuyến nghị của bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, khi trẻ bị viêm hô hấp bệnh dễ lây lan tốt nhất nên cho trẻ nghỉ học ở nhà tránh lây lan cho các bạn khác.

Theo TS BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, đa số trẻ vào khám đều có liên quan tới virus cúm, Adeno virus và hợp bào hô hấp.

Để phân biệt trẻ nhiễm Adeno virus và virus cúm cha mẹ có thể theo dõi triệu chứng. Hai bệnh đều có biểu hiện triệu chứng giống nhau như sốt, ho, sổ mũi, nặng thì khó thở, đau tức ngực. Tuy nhiên, mắc Adeno virus vẫn có thêm triệu chứng gợi ý đó là viêm kết mạc, mắt đỏ, trẻ có thể nổi hạch cổ, rối loạn tiêu hóa.

Về dịch tễ, nếu cảm cúm thì thời gian ủ bệnh ngắn 2, 3 ngày, còn Adeno virus thời gian lâu hơn nhưng trong thời gian gần đó đã có trẻ xác định nhiễm Adeno virus thì cần cảnh giác đó là bệnh do Adeno virus.

Khi trẻ bị viêm hô hấp cha mẹ cần theo dõi sát sao, điều trị theo triệu chứng như sốt thì hạ sốt, ho sử dụng siro ho, không dùng kháng sinh ngay.

Trong thời gian này, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ ăn thêm nhiều hoa quả, bổ sung vitamin để trẻ vừa cảm thấy thoải mái và vừa giúp gia tăng sức đề kháng.

Đặc biệt, đối với trẻ có các bệnh mãn tính thuộc nhóm trẻ có yếu tố nguy cơ thì cần phải tiếp tục điều trị bệnh mãn tính ổn định và cần phải được theo dõi, giám sát đặc biệt hơn đối với trẻ có cơ địa bình thường.