Trong giáo dục gia đình, cha mẹ chính là người ảnh hưởng tới cả cuộc đời của con. Cha là mặt đất mẹ là bầu trời, phẩm chất của cha mẹ quyết định độ cao mà tương lai con mình có thể đạt tới. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng và dạy bảo trong tình yêu thương của cha mẹ thường sẽ có cảm giác an toàn, mạnh mẽ, bề ngoài tự tin, dám thử nghiệm, dám đột phá, thường có thể đạt tới thành công cao hơn.

Phẩm chất của cha sẽ đưa trẻ bay cao bay xa

Một nhà tâm lý học từng đưa ra kết luận: Trước 12 tuổi, trẻ thường coi cha mình là thần tượng. Đứa trẻ luôn kính yêu và tôn thờ cha một cách mãnh liệt, thậm chí coi cha là biểu tượng của sức mạnh và trí tuệ.

Theo bản năng, trẻ nhỏ sẽ bắt chước cách hành xử của cha. Càng đến tuổi trưởng thành, đứa trẻ lại càng cố gắng để bản thân có thể hành xử như cha hoặc tốt hơn cha.

 
Đứa trẻ có một không gian tương đối lớn để phát huy và có thể rèn luyện khả năng tự lập của bản thân. Cách giáo dục cha dành cho con không phải là quan tâm chăm sóc tỉ mỉ mà là dẫn dắt ý chí, cha thường chỉ rõ phương hướng để con có thể vận dụng năng lực của mình, giúp con đặt định mục tiêu cho đến khi con tự lập trưởng thành.

Một người cha mẫu mực sẽ là tấm gương về phẩm chất đạo đức và lý trí cho con, do đó cũng ảnh hưởng tới nhân cách của đứa trẻ sau này.

Sự dịu dàng của mẹ quyết định đức hạnh của con

Trong giáo dục gia đình, người mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Sự dịu dàng và khoan dung của mẹ có thể giúp trẻ hình thành tính cách rộng lượng bao dung. Sự tu dưỡng của mẹ sẽ ảnh hưởng đến đức hạnh và nhân cách cả đời của con trẻ.

Một hội nghị tổ chức tại Áo từng đưa ra câu hỏi khá nổi tiếng: Nếu bạn có một con trai và một con gái nhưng kinh phí giáo dục chỉ đủ cho một người, bạn sẽ đầu tư cho ai? Câu trả lời là đầu tư cho con gái. Lời giải thích được đưa ra là, vì đầu tư cho con trai bạn chỉ giáo dục được một cá thể, còn đầu tư cho con gái bạn sẽ giáo dục được một gia đình, một thế hệ tương lai.

Điều này không phải là nói quá, bởi trong gia đình sự tu dưỡng của mẹ sẽ quyết định đức hạnh của con mình.

Khi còn thơ bé, ý thức của mỗi đứa trẻ vô dùng đơn thuần, hành động thói quen cũng không cố định, lại thường hay quấn quýt không muốn xa rời mẹ. Hành vi cử chỉ và phẩm đức của mẹ, bởi vậy, cũng sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn trẻ thơ. Những câu chuyện đầu đời về thiện và ác, tốt và xấu, thật và giả, sẽ hình thành trong trẻ những ý niệm đầu tiên về thế giới quanh mình. Nền tảng của thời kỳ này được tạo dựng như thế nào sẽ quyết định tương lai đứa trẻ trở thành một người như thế ấy.

Bản thân cha mẹ, khi còn có các vấn đề riêng như mặc cảm, tự ti, lo lắng, căng thẳng kéo dài…, sẽ đem toàn bộ các vấn đề đó vào trong mối quan hệ với con cái. Bản thân tôi chỉ cần một đêm thiếu ngủ là hôm sau có thể trở nên hết sức cáu kỉnh và xử lý các tình huống với con kém hẳn.

Vì vậy, tôi luôn tin tưởng rằng khi giáo dục con cái, trách nhiệm đầu tiên cha mẹ phải học là cách sống hạnh phúc với bản thân và hoà hợp với những người xung quanh, có thể thoả hiệp đôi chút về hành vi nhưng không thoả hiệp các giá trị sống. Bạn sống thế nào, bạn là người thế nào, bạn đang đi đâu trên cuộc hành trình của riêng bạn – tất cả đều là bài học giáo dục dành cho con cái của bạn, dù bạn muốn hay không.

Có con là cơ hội để ta làm lại ta. Đây là lúc để ta tự đánh giá lại ta và điều chỉnh bản thân. Ta không tự giúp ta thì không ai giúp ta cả. Ta hạnh phúc với bản thân và tin tưởng bản thân, thì con cũng sẽ hạnh phúc với ta, tin tưởng ta, và hạnh phúc với chính con cũng như tin tưởng chính con.