Cắt bỏ u nang buồng trứng cho sản phụ

Theo thông tin từ báo Giaoducthoidai: Chiều ngày 26/12, các bác sĩ Khoa phụ sản của bệnh viện đã phẫu thuật nội soi thành công một trường hợp u nang buồng trứng trên một sản phụ có thai 12 tuần.

Theo đó, bệnh nhân được xác định là phụ sản T.T.P.D (trú xã Điện An, Điện Bàn). Tại bệnh viện, các bác sĩ đã phát hiện một u vùng hạ vị, khả năng u buồng trứng rất lớn trong lúc bệnh nhân đang có thai 11 tuần. Các bác sĩ đánh giá, đây là một trường hợp khó vì vừa có khối u vừa có thai. Nếu để thai lớn nữa sẽ phẫu thuật khó khăn. Phía gia đình bệnh nhân đã yêu cầu phẫu thuật khối u này.

Ngay sau đó, bệnh nhân D. được nhập viện sáng 26/12 và được làm đầy đủ các xét nghiệm. Khi siêu âm khối u buồng trứng, các bác sĩ cho biết khối u có kích thước rất lớn (19 x 24 x 9cm).

Các bác sĩ đã bóc được toàn bộ khối u buồng trứng P, hút toàn bộ dịch trong khối u ra ngoài. Tổng lượng dịch hơn 2000 ml (tương đương nặng hơn 2 kg). Toàn bộ vỏ khối u được các bác sĩ đưa ra ngoài nguyên vẹn.

Khối u nặng hơn 2kg được lấy ra khỏi cơ thể người phụ nữ đang mang thai (Ảnh minh họa: Internet)

Phụ nữ có nguy cơ bị u nang buồng trứng khi mang thai

U nang buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi phụ nữ từ bé gái đến cụ già, từ phụ nữ bình thường đến người mang thai và tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào từng loại khối u tỷ lệ từ 5-10% trong số nữ giới u nang buồng trứng có thể xuất hiện trước khi mang thai với kích thước nhỏ đường kính khoảng 3-4cm và không gây triệu chứng khó chịu nên thường ít phát hiện được. Khi chuẩn bị mang thai hoặc bắt đầu thai kỳ khám siêu âm mới phát hiện ra u nang.

Điều nguy hiểm khi đang mang thai lại có khối u

U nang buồng trứng làm tăng nguy cơ sảy thai

Thông thường có 2 loại u nang buồng trứng khi mang thai là nang hoàng thể và nang bệnh lý. Nang hoàng thể do thay đổi hooc-môn nội tiết khi có thai, là nang sinh lý nên thường sẽ tự biến mất sau 12 tuần thai.

Tuy nhiên, một số trường hợp nang to, gây đau bụng biến chứng chảy máu trong nang hoặc xoắn nang ảnh hưởng không tốt cho cả thai phụ và thai nhi. Cụ thể, u to có thể chèn ép vào tử cung gây nguy cơ sảy thai kích thích tử cung co bóp gây sảy, cản trở thai nhi bình chỉnh trong tử cung khiến thai nhi không thể quay đầu dẫn tới khó đẻ. Nếu u nang buồng trứng có biến chứng xoắn, nang bị vỡ thì sẽ dễ gây sảy thai hoặc đẻ non, thậm chí khối u hoại tử gây tử vong cho thai phụ.

Nguy cơ cắt bỏ tử cung nếu là u ác tính

Dù tỉ lệ không cao nhưng u nang cũng có thể gây ung thư buồng trứng Nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, việc mang thai có thể vẫn được tiếp tục, chỉ có buồng trứng bị cắt bỏ. Nếu phát hiện muộn, khi ung thư đã lan ra khỏi buồng trứng, cắt bỏ tử cung để tránh lan rộng hơn thường được khuyến nghị và nên thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu thai nhi dưới 24 tuần tuổi, cắt bỏ tử cung sẽ chấm dứt thai kỳ và sự tồn tại của thai nhi. Nếu thai nhi trong khoảng 24-36 tuần tuổi, có thể cho đẻ sớm trước khi cắt bỏ tử cung.