Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ngày nay, điện thoại đang trở thành một vật bất ly thân của nhiều người, việc sử dụng điện thoại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe sau này.

 

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bác sĩ đã từng gặp rất nhiều bệnh nhân là các cháu học sinh mới học cấp 2 mà đã đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái do chơi điện thoại quá nhiều, có cháu đã có biểu hiện bị viêm gân.

Với những cháu này, chỉ khoảng 5 - 7 năm nữa, ở tuổi ngoài 20, các khớp nhỏ ở ngón tay của cháu sẽ bị thoái hóa. Tiếp xúc nhiều với điện thoại thông minh không chỉ ảnh hưởng tới thị lực, hệ thần kinh của trẻ mà còn ảnh hưởng tới cổ, lưng, vai, khuỷu tay, cổ tay và các ngón tay của trẻ.

Việc trẻ em sử dụng điện thoại quá nhiều gây ra những hệ lụy về sức khỏe sau này (Ảnh minh hoạ)

Khác với người lớn, khi sử dụng các thiết bị thông minh, trẻ thường tập trung vào thiết bị mà quên đi những việc bảo vệ cho các cơ quan của cơ thể. Trẻ có thể chơi điện thoại trong thời gian dài, với tư thế cúi đầu hàng giờ có thể gây tổn thương cho đốt sống cổ và cơ lưng.

Tư thế cầm, giữ điện thoại lúc nằm còn ảnh hưởng tới cơ vai, khớp vai. Đặc biệt các ngón tay sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu trẻ dùng quá nhiều thiết bị thông minh, từ đó làm giảm hiệu suất học tập của trẻ, giảm khả năng viết của trẻ.

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, nhiều cháu nhỏ thường sử dụng điện thoại, máy tính bảng liên tục 2 - 3 giờ, thậm chí có trường hợp ngoài giờ ăn và ngủ ra lúc nào cũng cầm điện thoại sử dụng.

"Các hoạt động quá mức này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gân cơ vùng ngón tay, bàn tay và đặc biệt là các khớp vùng ngón tay cái”, BSCKII Nguyễn Thị Thanh Huyền cảnh báo.

Theo chuyên gia này, khi các cháu nhỏ sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử thông minh với thời gian dài, tần suất liên tục, bàn tay của các cháu sẽ bị tác động rất lớn vì bàn tay của các cháu luôn phải giữ ở tư thế cố định để cầm điện thoại.

"Tất cả các phần của tay từ ngón tay, bàn tay đến cả đến cổ tay đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng", BS Huyền cho hay.

Nếu ngón tay nào hoạt động nhiều và liên tục, ngón đó sẽ có dấu hiệu mỏi, đau trước tiên. Ngoài ra, các cơ ở vùng cổ gáy, vai, khuỷu nếu giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài sẽ rất mỏi, hoàn toàn không có lợi cho khớp.

Dấu hiệu trẻ bị thoái hoá khớp

Chơi thiết bị điện tử quá nhiều là nguyên nhân khiến trẻ tăng nguy cơ thoái hóa khớp khi trưởng thành. Quá trình thoái hóa không phải ngay lập tức mà nó diễn biến từ từ, trải qua nhiều tháng, nhiều năm”.

Dấu hiệu “chỉ điểm” con bạn đang sử dụng thiết bị thông minh có hại cho sức khỏe:

- Đau, mỏi bất cứ khớp nào từ cổ, vai, khuỷu, cổ tay, đến các ngón tay.

- Sau một thời gian dài chơi thiết bị điện tử trẻ kêu mỏi, tê tay, ngón cái vận động khó.

- Các khớp cứng lại, mỏi, nhất là khớp ở giữa bàn tay và ngón cái, đó là khớp ở gốc bàn tay, khi để tay không cũng mỏi.

Trẻ có thể chơi điện thoại trong thời gian dài, với tư thế cúi đầu hàng giờ có thể gây tổn thương cho đốt sống cổ và cơ lưng (Ảnh minh hoạ)

Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, trong phục hồi chức năng, chỉ tập luyện khớp với các bệnh nhân không sử dụng khớp đó. Còn nguyên nhân của tình trạng đau khớp, mỏi khớp ở tay trẻ là do sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử thì không có cách nào khác là cha mẹ cần hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị để giảm tình trạng đau, mỏi khớp.

Trẻ em khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ở trường học, cũng phải viết rất nhiều, trẻ đã phải sử dụng tay nhiều, ngay như việc cầm bút viết là các cháu đã luôn phải giữ tay ở một tư thế cố định trong một thời gian dài, đó là tư thế không tốt cho khớp. Khi về đến gia đình mà các cháu lại tiếp tục sa đà vào các thiết bị điện tử khi đó tay sẽ phải làm việc rất nhiều.

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Huyền khuyến cáo, ngoài việc hạn chế thiết bị điện tử, cha mẹ có thể dạy con thả lỏng bàn tay, co duỗi tay nhẹ nhàng, xoay gập cổ tay nhẹ nhàng, không tạo áp lực, không bẻ khớp là cách “thư giãn” tốt nhất cho khớp.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thanh Huyền cũng cảnh báo, không chỉ người lớn mà các bạn học sinh cấp 2, 3 hiện nay hay có thói quen bẻ ngón tay, bẻ khớp khi mỏi tay. Thói quen này hoàn toàn không tốt cho khớp vì lúc đó các đầu khớp cọ lên nhau rất mạnh.

Khi bẻ khớp bạn đã tạo một áp lực tác động vào đầu khớp và sụn khớp rất, điều này không tốt cho khớp. Động tác bẻ khớp là hành động kéo giãn bao khớp. Bẻ tay càng nhiều, bao khớp càng giãn. Khi bị giãn các bao khớp không thể giữ cho khớp ở trạng thái ổn định. Đây là việc làm thúc đẩy tình trạng thoái hóa khớp.