Mất gần 10 chiếc răng vì cướp giật

Bị cướp giật khi đang đi xe máy luôn là nỗi ám ảnh của mọi người, đặc biệt là với phái nữ chân yếu tay mềm. Mất tài sản đau một, nhưng bị tai nạn khi bị cướp giật đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều nạn nhân.

Như trường hợp của chị Huyền Trang (một nhân viên công sở tại TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Chị Trang từng bị cướp trong một lần đi xe máy vào ban đêm về nhà trọ. Khi đó, chị có đeo một túi xách nhỏ bên hông. Chỉ cách nhà vài trăm mét, chị bị một người lạ vỗ vai rồi giật mạnh túi xách.

Thói quen đeo túi xách bên hông khi đi xe máy có thể khiến chị em mất mạng. Ảnh minh họa.

Cú giật túi xách đó đã khiến chị bị ngã đập mặt xuống đường, hậu quả gãy ba khúc xương hàm và gãy tới 7 chiếc răng, lệch khớp cắn. Rất may mắn chị đội mũ bảo hiểm nên không bị chấn thương sọ não.

Cú ngã kinh hoàng đó khiến chị mất hai tháng không thể nói, ăn uống gì được vì phải đeo thiết bị cố định lại xương hàm. Ngoài ra, chị mất nửa năm tiếp theo để trồng đủ 10 chiếc răng giả. Thiệt hại tới 70 triệu đồng, đi kèm đau đớn thể xác, tinh thần bất an trong một thời gian dài.

“Sau vụ cướp, tôi không dám đeo túi xách nữa, chỉ đeo ba lô. Mỗi khi ra đường luôn mặc áo khoác, áo chống nắng chùm kín chiếc quai ba lô để tránh bị cướp cắt quai cướp đồ đạc”, chị Trang bày tỏ.

Mối họa từ việc treo túi xách ở móc giữa xe máy

Không ít chị em có thói quen treo túi xách ở móc giữa tay lái xe máy khi đi làm mà không lường được mối nguy cướp giật. Chị Hương Thảo (quê ở Quảng Ninh) từng bị trầy da cả một bên đùi vì lọt vào tầm ngắm của cướp trên đường Tố Hữu, Hà Nội.

Lần đó, chị Thảo treo túi đựng laptop ở móc giữa xe máy vì nghĩ “kẹp chân lại chắc không thể có chuyện cướp giật”. Không ngờ khi gần tới chỗ làm, chị bị cướp laptop và ngã ra đường, trầy một mảng da đùi.

Nạn cướp giật trên đường luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Ảnh minh họa.

Tương tự như trường hợp trên, chị Thùy Linh, một nhân viên công sở tại Hà Nội đã bị cướp khi đang đi trên đường quốc lộ 32 thuộc khu vực Yên Thịnh, phường Phú Thịnh, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Khi đó, chị Linh bất ngờ bị hai thanh niên đi xe máy áp sát, dàn cảnh va chạm giao thông rồi cướp chiếc túi xách chị treo ở móc giữa xe máy.

Tổng trị giá tài sản trong túi xách có khoảng 100 triệu đồng gồm 2 chiếc điện thoại, 1 laptop, 1,4 cây vàng loại vàng nhẫn, 500 nghìn đồng tiền mặt và nhiều giấy tờ tùy thân.

Điều đáng nói là 1.4 cây vàng đó người thân chị nhờ cầm để bán giúp, lấy tiền mặt lo việc gia đình. Do quá bận nên chị mang theo người và có thể bị theo dõi từ trước nên mới xảy ra vụ cướp giật táo tợn trên.

Nghĩ lại chị Linh vẫn thấy rùng mình khi chị đuổi theo bọn cướp đến giây phút cuối cùng trước khi chúng lạng lách vào mấy ô tô đang chạy và tẩu thoát.  Những câu chuyện có thật là lời cảnh báo cho thói quen đeo chéo túi xách, treo túi xách ở xe máy của chị em.  Nếu không cẩn thận, chị em có thể bị mất mạng chỉ vì cướp giật túi xách. 

Bất an khi ra đường

Dễ nhận thấy các vụ cướp giật hầu hết đều nhắm vào phái nữ "chân yếu tay mềm". 

Cho dù đi xe máy, xe đạp, đi bộ hay xe buýt, chị em cũng đều có nguy cơ gặp cướp với muôn vàn tình huống khó lường khác nhau. Vì thế, cẩn trọng để tránh bị cướp giật và trang bị kỹ năng xử lý tình huống là điều cần thiết để tránh mối họa mất mạng. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Trung tâm tư vấn và phát triển sức khỏe cộng đồng, Giám đốc Học viện Taichi dưỡng sinh và Khoa học tâm thức Việt Nam cho biết: "Phụ nữ trở thành đối tượng của chúng vì lý do tay lái của chị em thường yếu, tâm lý ngại ngùng, hay động lòng trắc ẩn và thích đeo nữ trang, túi xách mỗi khi ra đường. Nếu cướp giật xảy ra, phái nữ cũng không thể phản xạ nhanh và không mạnh mẽ như nam giới”.

Theo ông Dũng, để phòng tránh mối nguy bị cướp giật, điều quan trọng nhất là chị em không nên phô trương nữ trang, đeo túi xách chéo, cầm ví trên tay hay kẹp vào nách mỗi khi ra đường. Bạn có thể cho túi xách vào cốp xe, đeo ba lô hai quai chắc chắn. Hãy nhớ sự hớ hênh sẽ làm nảy sinh tâm lý "cướp cho bằng được".

Bên cạnh đó, thay vì để toàn bộ tiền mặt, giấy tờ vào một chiếc ví, chị em nên để riêng chúng ra ở hai chiếc ví khác nhau.

Chuẩn bị sẵn một chút tiền có mệnh giá thấp để xăng xe, đi đường. Bởi kẻ cướp cũng có thể lợi dụng lúc chị em giở ví mua xăng, mua hoa quả tại lề đường… để thực hiện hành vi cướp giật. Hãy luôn tập trung, tỉnh táo khi đi đường, tuyể đối tránh vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại.