Ông N.V.N. (72 tuổi, TPHCM) nhập viện trong tình trạng tê vùng mặt, nói đớ, méo miệng và liệt nửa người bên trái.

Tại bệnh viện, ê kíp bác sĩ đã tiến hành khởi động quy trình đột quỵ (Code Stroke) đối với bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong “thời gian vàng”.

Kết quả chụp CTA và MRA cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong phải. Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ chuyên khoa Đột quỵ dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và chuyển phòng can thiệp DSA để chụp mạch máu não, nong bóng động mạch cảnh trong và hút huyết khối từ động mạch não giữa bên phải.

Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, phục hồi tri giác và vận động gần như hoàn toàn.

 Kết quả chụp DSA cho thấy hẹp lòng động mạch cảnh trong bên phải - Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, nhận thấy tình trạng bệnh nhân có nguy cơ tái phát đột quỵ, sau 2 tuần điều trị bằng thuốc, ông N. được các Bác sĩ chỉ định nong và đặt stent động mạch cảnh trong bên phải.

Hình ảnh stent đúng vị trí trong lòng động mạch cảnh trong bên phải - Ảnh: BVCC

Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã có thể nói chuyện, đi đứng, ăn uống, sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên hình ảnh cho thấy bệnh nhân vẫn còn hẹp khoảng 50-60% lòng động mạch cảnh trong bên phải do xơ vữa.

Sau can thiệp, bệnh nhân được theo dõi 48 giờ và xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt, trở về lại sinh hoạt bình thường.

Đoạn động mạch cảnh trong phải được tái thông hoàn toàn sau khi đặt stent - Ảnh: BVCC

Thạc sĩ bác sĩ Phan Quốc Dũng, thành viên ekip thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân, chia sẻ: “Trường hợp ông N. rất may mắn vì đến bệnh viện trong khoảng 'thời gian vàng' sau đột quỵ não.

Do vậy, bệnh nhân được thực hiện đầy đủ tất cả các phương pháp can thiệp đột quỵ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, bao gồm: Dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp hút huyết khối đường động mạch và sau cùng là đặt stent động mạch cảnh trong để tránh tái phát đột quỵ.

Hiện nay, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là một trong số ít các Bệnh viện tại TP.HCM có thể thực hiện đầy đủ các phương pháp điều trị kịp thời cho người bệnh bị đột quỵ".

Các Bác sĩ tiến hành can thiệp đặt stent động mạch cảnh - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Dũng, đối tượng dễ mắc bệnh hẹp động mạch cảnh là những người cao tuổi. Đặc biệt thường gặp hơn ở người có hút thuốc lá, có yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Tuy nhiên, hầu hết người bị hẹp động mạch cảnh không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi mức độ hẹp của động mạch trở nên trầm trọng.

Các chuyên gia khuyến cáo, những cơn đột quỵ nhẹ này thường xảy ra khi một vùng não bị thiếu nguồn cung cấp máu trong một thời gian ngắn. Do đó, khi gặp các triệu chứng yếu hoặc tê một bên mặt hoặc tay, chân, chóng mặt, nói đớ hoặc không thể nói chuyện,… mọi người nên đến ngay các bệnh viện thuộc mạng lưới cấp cứu đột quỵ để được thăm khám kịp thời.  

Để phòng ngừa bệnh hẹp động mạch cảnh phải cố gắng giảm và loại bỏ các yếu tố nguy cơ nếu có bao gồm điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bỏ thuốc lá, tránh béo phì… Đồng thời nên sống gần gũi thiên nhiên, vận động nhiều, tập thể dục đều đặn và có chế độ ăn uống khoa học.