Căn bệnh phá hỏng tim, thận, mắt đang gia tăng số ca mắc do lối sống hiện đại
Nhiều biến chứng nếu không kiểm soát đường huyết
Theo thống kê của Bộ Y tế, đái tháo đường thực sự là "kẻ giết người thầm lặng" do nhiều bệnh nhân được chẩn đoán muộn. Tại Việt Nam, vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atlas. Các chuyên gia nhận định số ca bệnh đái tháo đường sẽ tiếp tục tăng do chế độ ăn, lối sống hiện đại (ăn dư thừa năng lượng, ít vận động).
Những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao gặp những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới. Người lớn bị đái tháo đường có nguy cơ tăng gấp 2 đến 3 lần bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ và 2,6% bệnh mù toàn cầu có thể là do đái tháo đường. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận .
Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (BV ĐHYD TP HCM) đã tiếp nhận trường hợp người bệnh L.M.H (65 tuổi, ngụ tại Bình Tân) được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê.
Theo thông tin từ người nhà, chị H mắc bệnh đái tháo đường type 2, đã điều trị từ đầu năm 2021 cho đến nay. Thời gian gần đây, chị H thường xuyên có các biểu hiện như hồi hộp, khó thở, chân tay run, vã mồ hôi...
Tại Khoa Nội tiết BV ĐHYD TPHCM, sau khi đánh giá sức khỏe tổng thể, bác sĩ xác định nguyên nhân hôn mê của chị H là do hạ đường huyết. Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị song song phục hồi chức năng, chị H và người thân đã được hướng dẫn phương pháp tự theo dõi đường huyết tại nhà. Đến nay, tình trạng người bệnh đã được kiểm soát.
ThS.BS Trần Viết Thắng, Phó trưởng Khoa Nội tiết, BV ĐHYD TPHCM, cho biết bệnh đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với người bệnh. Bằng cách tự theo dõi và kiểm soát đường huyết ở mức ổn định, người bệnh vừa có thể tránh được biến chứng, nâng cao hiệu quả điều trị và phục hồi.
Việc theo dõi đường huyết sẽ mang lại cho bệnh nhân 3 lợi ích:
Giảm các biến chứng do tăng/hạ đường huyết: Theo đó, khi chỉ số phản ánh lượng đường trung bình trong máu (HbA1C) giảm được 1% thì tỷ lệ nguy cơ tử vong do đái tháo đường giảm 21%; Nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ giảm 37%; Nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 14%. Song song đó, thói quen này còn giúp người bệnh phát hiện sớm và có cách xử trí phù hợp khi rơi vào tình trạng hạ đường huyết.
Kiểm soát đường huyết tốt hơn: Chế độ ăn uống, vận động, thuốc điều trị hoặc căng thẳng có mối quan hệ mật thiết với lượng đường huyết trong máu. Bằng cách tự theo dõi, người bệnh có thể xác định được những yếu tố nào làm tăng hoặc giảm lượng đường huyết. Dựa vào đó điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp cũng như lập kế hoạch sinh hoạt khoa học.
Tối ưu phương pháp điều trị: Thông qua chỉ số HbA1C, người bệnh có thể đánh giá được mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị đái tháo đường. Đồng thời, chỉ số này cũng giúp các bác sĩ đưa ra những quyết định điều trị thích hợp như điều chỉnh liều thuốc hạ đường huyết và insulin.
4 thời điểm cần đo đường huyết
Theo ThS.BS Trần Viết Thắng, muốn kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần tuân thủ cũng như có sự phối hợp giữa chế độ ăn uống, vận động thể lực và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là duy trì thói quen tự theo dõi đường huyết mỗi ngày.
Tần suất đo đường huyết mỗi ngày tùy thuộc vào loại bệnh (type 1, type 2, thai kỳ), tình trạng người bệnh, tình trạng mức đường huyết mục tiêu, phác đồ điều trị của bác sĩ hoặc tùy thuộc vào điều kiện của người bệnh mà bác sĩ có thể đề xuất cho người bệnh số lần theo dõi đường huyết thích hợp. Trong trường hợp nhận thấy các triệu chứng hạ đường huyết, bị bệnh, chấn thương hoặc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, người bệnh đái tháo đường nên tăng số lần thử đường huyết.
ThS.BS Trần Viết Thắng cho biết có 4 thời điểm chính cần đo đường huyết đó là: Lúc đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); Sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); Trước khi ngủ; Trước hoặc sau khi tập thể dục.
Người bệnh đái tháo đường cần giữ đường huyết ở mức ổn định. Chỉ số HbA1C mục tiêu là 7.0% (có thể thay đổi tùy theo đặc điểm của người bệnh). Trong đó, đường huyết trước ăn dao động từ 4.0 - 7.0 mmol/l và dưới 10 mmol/l thời điểm 2 giờ sau ăn.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của nhiều căn bệnh.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không ngờ. Tuy nhiên, đội như thế nào, chất liệu mũ ra sao cũng cần đặc biệt chú ý.
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn so với các nước Âu Mỹ nhưng tỷ lệ gãy xương lại tương đối thấp.
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.