Căn bệnh cực nguy hiểm, mắc phải nếu thoát chết cũng dễ tổn thương tâm lý
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết, gần đây nơi này đã tiếp nhận trường hợp của bà N.T.L (68 tuổi, ngụ tại quận 6, TPHCM) trong tình trạng lơ mơ, nhịp tim không đều.
4 nhóm tổn thương tâm lý sau đột quỵ
Tiến hành thăm khám, ê-kíp điều trị xác định bà L. bị ngộ độc do uống thuốc ngủ quá liều. Nhờ được rửa dạ dày khẩn cấp, đồng thời truyền dịch tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước và ổn định các chức năng, người phụ nữ may mắn thoát chết. Theo chia sẻ từ người nhà, bà L. trước đó bị đột quỵ và đang trong quá trình hồi phục. Việc uống thuốc ngủ quá liều có thể là kết quả từ những tổn thương tâm lý sau đột quỵ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17 triệu người mắc đột quỵ. Trong đó, khoảng 5 triệu người tử vong. 5 triệu ca khác phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây nên, làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho cả gia đình và cộng đồng.
BS CKII Phạm Thị Ngọc Quyên, khoa Nội thần kinh của bệnh viện cho biết, sau đột quỵ,, người bệnh không chỉ đối mặt với những vấn đề về thể chất mà còn có những thay đổi về sức khỏe tinh thần. Sự thay đổi này có thể dẫn đến những hành vi ứng xử tiêu cực, thậm chí làm tăng nguy cơ tái đột quỵ.
Theo bác sĩ Quyên, sự thay đổi cảm xúc ở người bệnh sau đột quỵ được chia thành 4 nhóm.
- Rối loạn lo âu, hoảng loạn: Có khoảng 25% người bệnh đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua bị rối loạn lo âu trong 5 năm đầu sau khi bệnh khởi phát. Ban đầu, những cơn lo lắng chỉ xuất hiện với tần suất vừa phải. Nếu không được phát hiện và điều trị thích hợp có thể tiến triển thành những cơn hoảng loạn kịch phát từng đợt, kèm những triệu chứng toàn thân như co quắp tay chân, thở nhanh...
- Nhóm rối loạn cảm xúc giả hành: Tỷ lệ mắc tình trạng này tăng cao ở những người bệnh tái phát đột quỵ nhiều lần, đặc trưng là sự bộc phát cảm xúc không phù hợp với hoàn cảnh. Người bệnh có thể cười trước sự việc buồn hoặc ngược lại, có thể khóc trước điều gì đó vui nhộn.
- Trầm cảm và có ý định tự sát: Đây là rối loạn khí sắc thường gặp nhất, làm hạn chế khả năng phục hồi chức năng cũng như làm tăng nguy cơ tử vong gấp 10 lần ở người bệnh. Theo thống kê, khoảng 30% người đột quỵ còn sống phải trải qua giai đoạn trầm cảm trong năm đầu sau khởi bệnh. Hơn 50% trong số này không được chẩn đoán hay điều trị.
- Các thay đổi cảm xúc khác: Sau đột quỵ, người bệnh có thể có những sự thay đổi về tính tình như dễ bực bội hơn, thiếu kiên nhẫn, tự ti, mặc cảm và sống nội tâm hơn. Nỗi lo sợ dựa dẫm, làm phiền người thân do mất đi khả năng hoạt động độc lập có thể là căn nguyên cho những thay đổi cảm xúc này.
Bệnh nhân cần "liều thuốc tinh thần" tốt nhất
Bác sĩ Quyên chia sẻ, nếu không được cải thiện kịp thời và đúng cách, những tổn thương tâm lý có thể khiến người bệnh mất nhiều thời gian phục hồi, mất chức năng nặng hơn những khiếm khuyết vốn có, thậm chí tăng nguy cơ tái phát đột quỵ. Từ đó cản trở quá trình hội nhập cuộc sống của người bệnh.
Để quá trình phục hồi tổn thương tâm lý ở người bệnh đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua đạt được hiệu quả, bác sĩ Quyên chia sẻ, đầu tiên cần sự cố gắng từ bản thân người bệnh, sau đó là sự hỗ trợ từ người nhà và người thân xung quanh.
Trải qua cơn đột quỵ, đối diện với những di chứng về vận động khiến cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể, thậm chí đảo ngược hoàn toàn. Vì vậy, cần xây dựng và duy trì một đời sống năng động, tạo điều kiện để người bệnh tham gia các hội nhóm, gặp gỡ với những người xung quanh để lấy lại niềm vui và động lực.
Bên cạnh đó, cần động viên người bệnh chia sẻ về những vấn đề về sức khỏe tinh thần của mình. Tâm lý mặc cảm, tự ti về bản thân ở người đột quỵ là rất lớn, dẫn đến sự nóng nảy, cáu bẳn. Người thân nên đồng hành, khen ngợi, động viên khi người bệnh có sự cải thiện.
"Sự thông cảm và chia sẻ chính là liều thuốc tinh thần tốt nhất, giúp người bệnh lạc quan và phối hợp điều trị phục hồi tốt hơn. Trong trường hợp đã bị rối loạn cảm xúc cấp tính với biểu hiện nặng, bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc điều trị kết hợp với liệu pháp tâm lý trị liệu" - bác sĩ Quyên nói.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....