Bác sĩ Nguyễn Duy Khoa, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho hay ung thư tinh hoàn là loại ung thư ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam. Tuy nhiên, đây lại là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi 15 đến 35.

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tiếp nhận không ít bệnh nhân trẻ tuổi đã bị ung thư tinh hoàn. Điển hình là một bệnh nhân 33 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) khám do đau, sưng bìu trái trong thời gian dài. Bác sĩ chẩn đoán người đàn ông trẻ tuổi bị ung thư tinh hoàn trái Teranoma giai đoạn một, chỉ định phẫu thuật.

Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), từng tiếp nhận người đàn ông quê Hải Phòng sưng đau "cậu nhỏ" trong suốt 2 tháng mới đến khám. Trước đó, bệnh nhân được bác sĩ ở hai cơ sở y tế chẩn đoán viêm tinh hoàn, kê đơn uống nhưng không đỡ đau nên đến Bệnh viện Việt Đức.

Phẫu thuật tinh hoàn cho bệnh nhân tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BSCC

Kết quả khám và siêu âm thấy hình ảnh viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn thâm nhiễm lan tỏa. Bác sĩ phát hiện trên kết quả chụp MRI cho thấy tinh hoàn trái biến đổi hình thái, kèm theo nhiều hạch bẹn hai bên. Được chẩn đoán ung thư tinh hoàn, bệnh nhân phải nhập viện phẫu thuật.

Một nam bệnh nhân 36 tuổi đi khám ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì phát hiện khối cứng, sưng dần, đau tức vùng bẹn trái. Trước đó, bệnh nhân khỏe mạnh, đã lập gia đình và có 3 con. Từ nhỏ, anh biết mình bị ẩn tinh hoàn bên trái nhưng vì ngại ngần và chủ quan, anh chưa một lần đi khám nam khoa.

Bác sĩ phát hiện bệnh nhân khuyết tinh hoàn trái, sờ thấy một khối cứng chắc, ấn đau tức vùng bẹn trái, chính là tinh hoàn đã ung thư hóa, di căn nhiều vị trí.

Triệu chứng ung thư tinh hoàn

Các bác sĩ cảnh báo nhiều người dân vẫn cho rằng những khối u ác tính tinh hoàn thường gặp ở lứa tuổi trung niên. Thực tế, độ tuổi hay gặp nhất là nam giới từ 15-35 tuổi. Một thống kê của khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, chỉ trong 2 năm 2017-2018, cơ sở này tiếp nhận gần 140 ca ung thư tinh hoàn, hầu hết đều còn rất trẻ.  

Mắc ung thư tinh hoàn, bệnh nhân thường có các triệu chứng như sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Các triệu chứng khác có thể gặp như đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông, đau bụng khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác. Một số người đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới; bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu...; có thể nổi hạch vùng bẹn hoặc sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… (do ung thư di căn).

Thực tế, nhiều bệnh nhân đi khám với lý do nhiều nhất là tự sờ thấy u tinh hoàn hoặc thấy một bên tinh hoàn to lên bất thường.

Bác sĩ Khoa cho hay những người có tinh hoàn ẩn nếu không điều trị sẽ có nguy cơ ung thư cao gấp 2,5 đến 14 lần so với người bình thường.

Tuy nhiên, các cơ sở y tế tiếp nhận không ít bệnh nhân từ nhỏ không thấy tinh hoàn trong bìu nhưng không khám, không điều trị do không thấy đau. Lúc trưởng thành, họ vẫn lấy vợ sinh con nên nghĩ bình thường. Khi thấy đau tức vùng hố chậu, vùng bẹn bìu, họ mới đi khám thì đã bị biến chứng ung thư hóa.

Theo bác sĩ Khoa, ung thư tinh hoàn ảnh hưởng rất nhiều đến nam giới, tuy nhiên bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện, điều trị kịp thời. Tỷ lệ sống 5 năm ở các bệnh nhân ung thư tinh hoàn là hơn 95%.

Bác sĩ khuyên người dân nên đi khám kiểm tra sức khỏe 6 tháng một lần và đặc biệt nên đi khám ngay khi phát hiện các biểu hiện bất thường. Với yếu tố nguy cơ tinh hoàn ẩn, cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm ở trẻ. Đàn ông cần biết cách tự khám tinh hoàn để phát hiện tinh hoàn ẩn và thực hiện phẫu thuật sớm.