Bệnh nhân 48 tuổi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng đau đớn, sưng nề, tấy đỏ vùng cằm kèm theo sốt, nốt mụn có mủ trắng. 

Sau khi nhập viện vào khoa Răng hàm mặt, chị T. được các bác sĩ chẩn đoán viêm tấy lan tỏa vùng cằm dưới hàm. Bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng không tiến triển. Vùng cằm có mủ chảy ra, xuất hiện nhiều ổ áp xe, sốt cao liên tục.

Vùng cằm chị T. khi đến viện sưng tấy, đau đớn, biến dạng. Ảnh: BVCC

Xét nghiệm cấy mủ tại vị trí tổn thương tìm thấy vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Bệnh nhân được điều trị theo kháng sinh đồ kết hợp phẫu thuật trích rạch viêm tấy lan tỏa, dẫn lưu ổ mủ và thay băng hàng ngày. 7 ngày sau phẫu thuật, người bệnh đỡ đau, vết mổ khô, không còn chảy dịch. Tới ngày 15/10, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện về nhà.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Hà, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho biết vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sống ký sinh trên da và niêm mạc sau đó xâm nhập vào cơ thể thông qua lỗ chân lông, các tuyến dưới da và nang lông. Tiếp sau đó, chúng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn kèm mủ với triệu chứng khởi phát là sự xuất hiện của mụn nhọt, chốc lở và các ổ áp xe trên da.

Bác sĩ Hà cũng cho biết thêm bệnh do tụ cầu gây nên ở da thường do môi trường bên ngoài xâm nhập vào, thường ít gây bệnh nếu chỉ cư trú trên da. Tuy nhiên, khi có vết thương hở, mụn kèm theo vệ sinh kém, đề kháng yếu, tụ cầu vàng sẽ có cơ hội gây bệnh nguy hiểm.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không tự ý chích nặn mụn, nhọt hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét rộng, gây nhiễm trùng máu. Khi bị mụn nhọt, nếu thấy sốt cao, mệt mỏi, kèm theo các triệu chứng toàn thân nặng cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế.