Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị chuyên đề về Kiểm soát ung thư vú San Antonio (Mỹ) tiết lộ rằng, việc tham gia chương trình can thiệp lối sống giúp những người sống sót sau ung thư vú giai đoạn đầu có thể có tỷ lệ sống sót cao hơn.

Thay đổi lối sống làm tăng tỉ lệ sống ở những người sống sót sau ung thư vú.

Tiến sĩ Wolfgang Janni, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nhiều người sống sót sau ung thư vú muốn được biết cách thay đổi lối sống để nâng cao sức khỏe và tỷ lệ sống sót sau ung thư.

Để thực hiện nghiên cứu này, Janni và nhóm của ông đã khảo sát 2.292 phụ nữ ở Đức. Tất cả những người tham gia có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 24 trở lên. Trong khi chỉ số BMI ở mức 24 vẫn được xem nằm phạm vi cân nặng khỏe mạnh, nhưng mức cao hơn chỉ số này được coi là thừa cân. 

Các nghiên cứu trước đây cho thấy, béo phì và không tập thể dục đầy đủ có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn và có nguy cơ tái phát cao hơn, làm giảm tỷ lệ sống sót.

Những người tham gia được hướng dẫn qua điện thoại tập cách thay đổi lối sống, cách giảm cân vừa phải trong 2 năm hoặc khuyến khích thực hiện các lối sống lành mạnh khác. 

Thậm chí, những người khảo sát cũng thường xuyên nhận được các cuộc gọi điện thoại về lời khuyên cách cải thiện chế độ ăn uống, giảm tiêu thụ chất béo, tập thể dục nhiều hơn và các mẹo khác được điều chỉnh theo thể trạng sức khỏe của từng người.

Sau hai năm theo dõi, chỉ có 1.477 người tham gia thực hiện việc thay đổi lối sống và những người này có tỷ lệ sống sót sau ung thư vú cao hơn 35%, so với những người không thực hiện trọn vẹn, đầy đủ.