Mùa hè nóng bỏng là nỗi lo ngại lớn đối với nhiều phụ huynh. Nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao bất thường kéo theo nguy cơ trẻ bị suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng. Quá nhiều hoạt động ngoài trời, ở lâu dưới ánh nắng gay gắt, không uống đủ nước và mặc quần áo không thích hợp có thể dẫn tới các bệnh do nắng nóng. 

Để có thể hoạt động bình thường, cơ thể phải liên tục duy trì nhiệt độ ở mức 37 độ C. Thân nhiệt chịu sự kiểm soát chặt chẽ của tuyến dưới đồi nằm ở não. Khi thân nhiệt tăng cao, tuyến dưới đồi bật đèn xanh, giúp khởi động một loạt thay đổi trong cơ thể. Trẻ thở nhanh hơn và nông hơn, lượng máu di chuyển tới da tăng lên và mồ hôi toát ra.

Phần lớn nhiệt dư thừa được thải qua da. Điều này sẽ diễn ra một cách dễ dàng nếu không khí quanh ta mát và khô. Trường hợp ngược lại, nếu không khí nóng và ẩm, và nếu trẻ ở trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời thì việc thải nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn. Mồ hôi không thể bốc hơi nhanh, cơ thể không giải phóng đủ nhiệt, thân nhiệt vì thế sẽ tăng lên nhanh chóng. Thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương cho não và các cơ quan quan trọng khác.

CÁCH NHẬN BIẾT BỆNH DO THỜI TIẾT NÓNG NỰC GÂY RA

1. Triệu chứng mất nước nhẹ hay chuột rút do nhiệt gây ra

Đây chính là hai triệu chứng dễ nhận biết nhất.

Biểu hiện của trẻ đó là cơ thể rất nóng, bé cảm thấy vô cùng khát nước, đổ mồ hôi nhiều, cơ bắt bị chuột rút, da đỏ, chóng mặt và cả buồn hôn. Phần da ở quanh cổ và tóc của bé có thể sẽ bị đỏ hoặc ướt đẫm. Nếu thấy những biểu hiện đó, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến những nơi thoáng mát và cho bé uống nước ngay lập tức.

2. Kiệt sức hoặc đột quỵ

Nếu thấy trẻ có các triệu chứng của kiệt sức do mất nước nghiêm trọng hoặc đột quỵ do nhiệt gây ra thì hãy ngay lập tức đưa trẻ vào chỗ mát và cho trẻ uống nước; cởi bớt quần áo và cũng có thể cho trẻ tắm mát ngay.

Triệu chứng do bệnh này gây ra đó là trẻ bị đổ mồ hôi quá nhiều hoặc cũng có thể không bị đổ mồ hồi. Trẻ sẽ thấy đau đầu, chóng mặt, người lả đi và mắt bị mờ. Thậm chí, có trường hợp trẻ bị kích động, mất kiểm soát, bị ảo giác và thở gấp.

3. Bị ảo giác

Nếu bạn nhận thấy con bị ảo giác nghiêm trọng, da khô không tiết mồ hôi, bị nôn mửa, khó thở hoặc thở gấp, bất tỉnh hoặc bị co giật thì nên gọi cấp cứu ngay.

Phòng bệnh

- Tham khảo dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ.

- Đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường.

- Tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người.

- Hạn chế hoạt động thể lực mạnh, tranh thủ tìm chỗ trú ở nơi có bóng râm.

- Uống đủ nước, dùng các loại dịch không gây lợi tiểu, ví dụ nước lọc, tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước. Khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức, trẻ có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.

- Tắm nước mát.

- Lưu ý rằng quạt máy có thể khiến trẻ thấy bớt nóng, nhưng khi nhiệt độ môi trường lên quá cao, quạt sẽ không giúp phòng ngừa bệnh do nắng nóng. Quạt máy đẩy không khí chạy quanh nhưng không làm nguội không khí (quạt phát huy tác dụng nhiều hơn nếu được đặt gần cửa sổ để mở). Tắm nước mát hoặc chuyển vào nơi có điều hòa sẽ giúp trẻ hạ thân nhiệt hiệu quả hơn nhiều. Ở trong phòng có điều hòa vài giờ mỗi ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh do nắng nóng.