Khi mang thai, chắc hẳn trong chúng ta ai cũng tự nhủ với lòng sẽ trở thành một bà mẹ thông thái và tâm lý. Thế nhưng ranh giới giữa lý thuyết và thực tế rất xa. Cứ tưởng tượng một bà mẹ phải chịu mọi áp lực của cuộc sống ngoài xã hội, khi bước chân về nhà trong tâm trạng mệt mỏi thì chứng kiến cảnh con quấy khóc, nghịch phá vương vãi khắp nhà thì phản ứng luôn là sự bức tức, to tiếng, quát tháo hay thậm chí là đánh con. Rồi khi bình tĩnh lại, mẹ bỉm lại cảm thấy hối hận. Vậy phải làm thế nào để bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc và không gây tổn thương tinh thần cho con vẫn là một điều trăn trở đối với nhiều bà mẹ, biết cách kiềm chế cơn nóng giận với con không phải ai cũng làm được.

Cách kiềm chế cơn nóng giận với con

Trẻ con là thế, trẻ con sinh ra không phải là để ngoan. Về cơ bản chúng đến thế giới này làm cánh tay mình đau và tìm ra đâu là giới hạn của chúng ”trách nhiệm của bố mẹ là tạo điều kiện cho chúng tìm ra những giới hạn đó một cách an toàn”. Học cách điều tiết lại, nhẹ nhàng và bình tĩnh với con hơn, thật ra chỉ đơn giản bằng cái ôm con vào lòng và nói với con rằng “Sẽ ổn thôi con yêu”, thì bạn sẽ kiểm soát được cơn nóng giận trong lòng. Nên nhớ rằng, tất cả những gì con muốn là cảm nhận được giá trị sự hiện diện của bố mẹ, đừng thắc mắc tại sao con lại cư xử khó hiểu khi mà bạn chỉ ở cạnh con nhưng không hiện diện cùng con.

Kawai Michiko đã viết cuốn sách: "Từ hôm nay mẹ sẽ không nổi giận với con nữa" để chia sẻ với các bố mẹ Nhật khác kinh nghiệm để lắng nghe, thấu hiểu con hơn, từ đó ứng xử hiệu quả với những cơn ăn vạ, phản kháng của trẻ.

Tác giả cuốn sách đưa ra 8 bí quyết giúp cha mẹ không nổi giận với con:

- Tiếp nhận suy nghĩ và mong muốn của con

- Chăm chú lắng nghe con

- Lặp lại lời con nói

- Dùng câu có chủ ngữ là “bố/mẹ”

- Xóa bỏ định kiến sẵn có về con

- Đặt câu hỏi để con tự tìm ra câu trả lời

- Im lặng và chờ đợi con thay đổi

- Tin tưởng rằng con sẽ tìm được câu trả lời

Kiềm chế cơn nóng giận với con chưa bao giờ là dễ dàng

Đó là những lời khuyên về mặt thấu hiểu con cái, còn chính bạn thì sao? Ngay bản thân người mẹ cũng cần được giải tỏa tâm lý để không bị ức chế vì mãi cố gắng điều tiết cho con mà quên mất điều quan trọng nhất là điều tiết cảm xúc của bản thân mình. Có 3 nguyên tắc dành cho các bà mẹ là:

- Không đổ lỗi

- Cho phép mình nghỉ ngơi

- Tình yêu thương

Hành trình làm mẹ chưa bao giờ là dễ dàng, khi tâm trạng người mẹ không tốt thì chỉ một chút công kích nhỏ thôi cũng sẽ thấy khó chịu, chẳng hạn như con cứ bày bừa đồ chơi khắp nhà. Có bao giờ bạn nghĩ lỗi không phải do trẻ mà do chính mình gây ra không? Nếu bạn tạo cho con một không gian riêng để chơi đùa với đồ chơi của chúng và hướng dẫn chúng tự dọn dẹp thì bãi chiến trường đó sẽ không nằm khắp mọi ngóc ngách trong nhà khiến bạn dọn phát điên.

Đừng lo toan quá mức, đừng vội vàng cũng chớ nản lòng. Khi bạn dồn hết thời gian và tâm sức cho con, mong muốn chu toàn mọi thứ và kỳ vọng vào sự phát triển của trẻ quá nhiều, bạn sẽ áp lực từ bên trong. Hãy dành một ít thời gian để nghỉ ngơi, để tinh thần và cơ thể được thư giãn, phục hồi khi quá tải. Khi tâm trạng bạn thư thái, bạn sẽ nhìn mọi thứ với ánh mắt dịu dàng yêu thương, tích cực hơn.

Hối hận sau khi mất kiểm soát nóng giận với con thì đã quá muộn

Tình mẫu tử luôn có một sức mạnh thiêng liêng và điều kỳ diệu chỉ xảy ra khi bạn tin tưởng con cái. Các bà mẹ hãy trao trọn niềm tin vào trẻ, quan sát và tạo điều kiện cho con phát triển tự nhiên nhất có thể, đừng cố uốn nắn con theo một chuẩn mực nào đó bởi trẻ em là một cá thể tự do, chúng cũng có suy nghĩ của riêng mình, không phải là vật sở hữu của bố mẹ, bố mẹ đừng bao giờ áp đặt quan niệm và suy nghĩ cá nhân lên con.