Hội chứng colic là gì?

Các chuyên gia y khoa dùng thuật ngữ colic để chỉ về hiện tượng trẻ sơ sinh khóc ngất và khó dỗ. Thông thường colic chỉ xảy ra ở độ tuổi từ 2 - 4 tuần và có thể kéo dài đến khi bé được 3 - 4 tháng.

Bạn cũng nên biết hiện tượng này xảy ra ở khoảng 26% trẻ sơ sinh (khoảng 4 trẻ thì sẽ có 1 trẻ bị) vì vậy đừng làm ngạc nhiên nếu như bé nhà bạn chẳng may lại gặp tình trạng này.

Hội chứng colic ở trẻ sơ sinh thường xảy ra ở độ tuổi 2 - 4 tuần và sẽ biến mất khi trẻ được 5 tháng tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Dấu hiệu xác định trẻ có đang trong tình trạng colic hay không?

Khóc là cách mà trẻ sơ sinh giao tiếp với bố mẹ. Tiếng khóc của trẻ cho biết trẻ đang đói, muốn tè, mệt mỏi, cần thay tã… Tuy nhiên có một số bé vẫn không chịu nín khóc mà tiếp tục khóc rất lâu sau khi thay tã hoặc ăn, thậm chí khóc to hơn. Lúc này có khả năng cao là trẻ đang trong tình trạng colic.

Để xác định con có đang trong tình trạng colic hay không, cha mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ sơ sinh khóc đỏ tím mặt, khóc thét lên, xảy ra cùng một thời điểm trong ngày – thường là khóc về chiều, tối và khuya.Bạn có thể quan sát và ghi nhớ nếu trẻ khóc >3 giờ/ ngày và >3 ngày/tuần, kéo dài ít nhất một tuần và bé không bị sút cân thì có thể kết luận bé gặp tình trạng colic
  • Tay nắm chặt, bụng căng, đầu gối co lên, và lưng cong
  • Giấc ngủ không sâu và bé thường khóc ré lên khi đang ngủ.
  • Viêc ăn uống cũng bị đứt quãng bởi những cơn khóc quấy.
  • Bé ợ hơi khi đang khóc to.
  • Khóc từng cơn với cường độ khác nhau, không thể dỗ dành được.
Mẹ cần nhận biết dấu hiệu trẻ quấy khóc do colic hay nguyên nhân nào khác để có hướng xử lý chính xác - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ quấy khóc dai dẳng vì hội chứng colic cũng rất dễ nhầm lẫn với trường hợp trẻ sơ sinh bị tắc ruột. Nếu bé yêu nhà bạn đang khoẻ mạnh, đột nhiên khóc thét, đau quằn quại, dơ cao chân có khả năng bé bị tắc ruột. Một đặc trưng để phân biệt tình trạng này với hội chứng quấy khóc là các triệu chứng trên ngày càng dồn dập và nghiêm trọng đi kèm với hiện tượng bé bị nôn ói.

Triệu chứng này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh 5 tháng tuổi đến 2 tuổi, tình trạng này đe doạ đến tính mạng của trẻ vì vậy cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức vì có thể bé cần được phẫu thuật. 

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng colic

Hơn 50 năm nghiên cứu các nhà khoa học vẫn chưa tìm được câu trả lời lý giải cho tình trạng này. Một vài giải thuyết cho rằng hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh còn non nớt đang trong giai đoạn hình thành, trẻ có thể bị đau dạ dày vì dị ứng hoặc không dung nạp các chất có trong sữa mẹ và sữa công thức.

Một nguyên nhân khác cũng được nhắc đến nhiều là hệ thần kinh vẫn còn đang phát triển và ổn định, trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường sống bên ngoài hoặc trẻ bị đau do ợ hơi.

Phụ huynh hãy luôn nhớ colic không gây nguy hại cho trẻ và sẽ biến mất khi trẻ lớn hơn - Ảnh minh họa: Internet

Vậy hội chứng colic có nguy hiểm không? Thật ra, colic không có gây nguy hại gì cho bé nhưng sẽ gây khó khăn cho bố mẹ khi phải đối mặt với tình trạng con quấy khóc liên tục không rõ nguyên nhân.

Tình trạng này kéo dài sẽ khiến bố mẹ cảm thấy áp lực, mệt mỏi hoặc gây trầm cảm cho mẹ sau sinh. Bạn hãy luôn tự nhắc nhở bản thân rằng con khóc không phải lỗi của bạn và bé sẽ không tự làm đau mình. Giai đoạn này sẽ qua khi bé lớn hơn, chỉ cần cho con thời gian.

Cách xử lý trẻ bị hội chứng colic

Hội chứng colic ở trẻ sơ sinh tự nhiên sinh ra và cũng tự nhiên mất đi, điều bố mẹ cần để “đối phó” với thử thách là thời gian và kiên nhẫn.

Hiện nay không có thuốc đặc trị để "điều trị" tình trạng trẻ quấy khóc nói trên, tuy nhiên bạn cũng có thể chủ động áp dụng một số phương pháp sau để xoa dịu bé và bản thân mình thấy nhẹ nhõm hơn. Một điều tốt là hiện tượng này sẽ giảm dần khi trẻ được 3 đến 4 tháng tuổi và có thể biến mất hoàn toàn khi trẻ được 5 tháng tuổi.

  • Cho bé ăn bất cứ khi nào con có vẻ đói, thay vì cố gắng cho bé ăn đúng giờ. Cách này được gọi là cho ăn khi có nhu cầu.
  • Cho trẻ ợ hơi sau mỗi lần bú. Ẵm bé tựa trên vai, đặt bé ngồi thẳng trên đùi bạn, hoặc lật úp người bé cho nằm trên chân bạn, sau đó hãy vỗ hay xoa nhẹ vào lưng bé.Mẹ cũng chú ý quan sát xem bé ngậm ti mẹ đúng cách chưa hoặc nếu bé bú bình thì đảm bảo bé không nuốt hơi từ bình sữa.
  • Massage bụng nhẹ nhàng với các chuyển động theo chiều kim đồng hồ để giúp phân di chuyển xuống dưới và tránh ợ hơi.
Ợ hơi sẽ khiến con càng thêm khó chịu và quấy khóc, vì vậy mẹ luôn nhớ vỗ ợ hơi cho trẻ sau khi bú xong - Ảnh minh họa: Internet
  • Mẹ có thể nhờ đến sự trợ giúp của núm ti giả, một số em bé có thể được làm dịu bởi hành động bú mút.
  • Cho trẻ nghe “tiếng ồn trắng”. Đây là tiếng ồn lặp đi lặp lại có thể tái tạo âm thanh bé được nghe trong bụng mẹ và rất hữu ích giúp bé chìm nhanh vào giấc ngủ.
  • Cho bé nằm ở nơi yên tĩnh, giảm bớt tiếng ồn, tắt bớt đèn. Mẹ có thể quấn chặt bé bằng một chiếc khăn/mền mỏng để con có cảm giác bao bọc như trong bụng mẹ.
  • Hãy thử tắm và massage cho con bằng nước ấm để con cảm thấy dễ chịu và thoải mái.
  • Nếu bé yêu gào khóc mà không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào thì bạn hãy cố gắng bình tình ôm con để bé cảm nhận sự tương tác gần gũi cùng làn da của mẹ. Sau khi bé ổn định hơn mẹ có thể cho bé ăn hoặc ngủ.
Quấn bé bằng chiếc khăn/ mền mỏng là cách giúp bé ngủ ngon và ít quấy khóc hơn - Ảnh minh họa: Internet
  • Một số bé sẽ bớt quấy khóc khi được mẹ ôm ấp và cho đi dạo bằng xe đẩy vòng quanh nhà, bạn cũng có thể áp dụng cách này với bé yêu nhà mình.
  • Trong chế độ dinh dưỡng của mẹ cũng nên hạn chế các thực phẩm dễ gây dị ứng như socola, đậu phộng, hải sản, gia vị cay nóng…để có lợi cho sức khoẻ và hạn chế tối đa tình trạng con dị ứng với sữa mẹ.

Điều quan trọng là mẹ cần phải giữ thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn với con. Sau khi sinh, cơ thể người mẹ vẫn còn rất yếu, chưa hồi phục cộng thêm phải đối mặt với tình trạng con khóc dai dẳng không rõ nguyên nhân sẽ làm mẹ kiệt sức, lâu dần căng thẳng. Nếu người nhà không quan tâm và hỗ trợ có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh.

Mẹ không nên cáu gắt với bé khi con quấy khóc dai dẳng vì chỉ làm cho tình trạng càng tồi tệ hơn - Ảnh minh họa: Internet

Nếu mẹ cảm thấy “quá sức chịu đựng” của mình thì nên đặt bé ở nơi an toàn như vào trong nôi hoặc cũi và cho mình thời gian bình tâm trở lại. Mẹ cũng có thể nhờ người thân chăm sóc trẻ trong khoảng thời gian ngắn như thời gian “nghỉ giữa hiệp” để bạn lấy lại tinh thần. Khi tinh thần của mẹ được thoải mái, không nóng giận thì bé cũng có xu hướng “bắt chước” giống mẹ.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là hiện tượng colic là tình trạng hoàn toàn tự nhiên ở trẻ và không nguy hiểm đến tính mạng của bé. Khi bé càng lớn, hội chứng này càng giảm đi và sẽ biến mất trước khi bạn nhận ra điều đó.