Dạy con lễ phép từ trong nhà

Không lễ phép với ông bà, cha mẹ mà cần dạy trẻ biết giữ thái độ đó với tất cả mọi người lớn tuổi hơn mình. Bố mẹ nên bắt đầu dạy con xưng hô với anh chị, cô dì, chú bác và bố mẹ, ông bà như thế nào mới là đúng và chuẩn mực. Những điều nhỏ nhặt này chính là bước đầu tiên và căn bản nhất để hình thành một em bé ngoan.

Dạy con chào hỏi bằng nụ cười thân thiện

Cha mẹ cần dạy con chào hỏi với bất cứ người nào khi gặp gỡ hoặc khi ra về để trẻ hình thành thói quen - Ảnh minh họa: Internet

“Lời chào cao hơn mâm cỗ” - cha mẹ cần dạy con chào hỏi với bất cứ người nào khi gặp gỡ hoặc khi ra về để trẻ hình thành thói quen và cảm thấy tự nhiên nhất. Hãy dạy trẻ một cách thường xuyên và kiên trì, hướng dẫn cụ thể trẻ khi chào phải nhìn thẳng vào mặt người mà mình chào, khoanh tay, nói đủ câu, đối với người lớn tuổi phải hơi cúi đầu chào.

Việc chào hỏi mọi người xung quanh không phải là bắt buộc, bố mẹ khi dạy con lễ phép với người lớn cần phải phân tích cho con hiểu tại sao mình phải tôn trọng họ, họ đáng được con tôn trọng ra sao… Vì vậy việc chào hỏi sẽ không còn là sự bắt buộc mà xuất phát từ sự kính trọng và chân thành. Hãy nói với con rằng: Lời chào lễ phép kèm nụ cười của con sẽ khiến mọi người thấy vui vẻ, thoải mái hơn.

Dạy con biết trên – biết dưới

Phụ huynh cần dành thời gian để giúp con hiểu được thế nào là trên - dưới: Kính trên, nhường dưới. Khi con có lòng vị tha, sự nhường nhịn và sự kính trọng tự nhiên con sẽ biết lễ phép.

Dạ con biết nói lời cảm ơn - xin lỗi đúng lúc

Cha mẹ, ông bà phải luôn phải làm gương tốt cho con - Ảnh minh họa: Internet

Đến cả người lớn thậm chí còn quên mất lời cảm ơn và xin lỗi. Có thể là do họ không quen nhận lỗi về mình hoặc không hiểu như thế nào là đúng sai. Vì vậy, ngay từ bé, trong mỗi tình huống bố mẹ hãy chỉ rõ cho con ở trường hợp nào cần nói lời cảm ơn và lúc nào cần nói lời xin lỗi.

Tuy nhiên, hãy dạy trẻ thật khéo léo và linh động để lời cảm ơn hay lời xin lỗi là thực sự xuất phát từ tấm lòng chân thành của trẻ, không phải chỉ là lời nói cửa miệng qua loa. Để làm được điều này, trước hết cha mẹ, ông bà phải luôn phải làm gương tốt cho con.

Người lớn cần làm tấm gương sáng cho trẻ noi theo

Con trẻ tiếp xúc với ai nhiều sẽ tự động bắt chước, học hỏi từ chính những người đó. Vì vậy có câu “Con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, ông bà”, để dạy con lễ phép với người lớn thì bố mẹ trước mặt con cũng phải lễ phép ông bà, chú bác…

Ngoài ra, khi con ở độ tuổi tập nói, người lớn trong nhà hãy nói những từ ngữ lễ phép với bé để giúp con học theo, không đợi đến sau này mới sửa lại.

Lễ phép trong cư xử

Đưa đồ vật cho người lớn phải dùng hai tay - Ảnh minh họa: Internet

Những việc tưởng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng trong nguyên tắc cư xử mà trẻ phải biết như: Gõ cửa trước khi bước vào, đưa đồ vật cho người lớn phải dùng hai tay, không cắt ngang khi người khác đang nói, không vứt rác bừa bãi...

Để tạo được những thói quen này, trẻ cần được dạy dỗ cẩn thận, kiên nhẫn, nhẹ nhàng nhưng vẫn  giữ thái độ kiên quyết khi bé không thực hiện. Như vậy, lâu dần trẻ sẽ hình thành một cách tự nhiên thói quen ứng xử văn minh.

Lễ phép trong ăn uống

Sử dụng dụng cụ ăn uống để lấy thức ăn - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ đủ lớn để ăn cơm cùng mọi người trên bàn ăn, cha mẹ nên dạy bé cách mời người lớn trước khi ăn và xin phép rời đi khi ăn xong. Nhắc nhở bé phải ngồi đúng tư thế, không trườn dài người hay bò lên bàn ăn hoặc dùng dụng cụ ăn gõ lên bát đũa trong bữa ăn, tập cho bé cách dùng đũa, thìa để múc thức ăn chứ không dùng tay để bốc.

Dạy con lễ phép là một hành trình dài, cha mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành của trẻ. Hãy kiên nhẫn và hướng dẫn con từng bước đi nhỏ để tạo dựng hành trang lớn cho con cất bước vào đời.