Nổi mẩn đỏ quanh miệng là hiện tượng rất dễ nhận ra, kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu khiến bé liên tục chà xát khiến vết đỏ ngày càng lan rộng. Trong một số trường hợp, các nốt mẩn đỏ sẽ lây sang môi và lan vào vòm họng, lưỡi, kèm theo hiện tượng sốt, đau bụng và bỏ bú, đau rát. Đồng thời, bố mẹ sẽ thấy trẻ chảy nước dãi nhiều hơn và gây khó khăn trong việc ăn uống.

Thông thường, các nốt mẩn đỏ sẽ tự vỡ ra sau vài ngày hoặc do bé gãi nhiều. Theo đó, các vết mẩn đỏ khi vỡ ra sẽ tiết dịch và đóng vảy trong khoảng 2 tuần sẽ lành. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách sẽ có thể gây ra viêm da hoặc các vấn đề về thẩm mỹ trên khuôn mặt của bé sau này.

Bé bị nổi mẩn đỏ quanh miệng thường khiến bé khó chịu và ăn uống khó khăn. Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân trẻ bị nổi mẩn đỏ quanh miệng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ quanh miệng ở trẻ, trong đó có dị ứng với sữa mẹ hoặc thức ăn. Ngoài ra, cũng có thể do nhưng thói quen xấu của trẻ như: mút tay, liếm môi, đưa đồ chơi vào miệng, chà xát tay lên mặt,... sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nên tình trạng ngứa ngáy, nổi mụn.

Bên cạnh đó, nguyên nhân có thể xuất phát do trẻ mọc răng. Khi trẻ mọc răng sẽ tiết ra chất kích ứng đặc biệt, đồng thời lượng nước dãi cũng chảy ra nhiều và thường xuyên hơn và khi khô lại sẽ phát sinh ra các nốt mẩn đỏ. Không chỉ vậy, các nốt mẩn đỏ quanh miệng cũng có thể do nấm nếu bố mẹ không vệ sinh hoặc rơ lưỡi cho trẻ thường xuyên. Lúc này, ngoài mẩn đỏ quanh miệng, bé còn đau rát và mệt mỏi.

Cách chăm sóc trẻ bị nổi mẩn đỏ quanh miệng

Chăm sóc đúng cách sẽ giúp bố mẹ phòng ngừa khả năng viêm nhiễm ngoài da cho bé. Ảnh minh họa: Internet

Hiện tượng nổi mẩn đỏ sẽ khiến trẻ gặp nhiều bất lợi trong việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Theo đó, bố mẹ cần có cách chăm sóc trẻ đúng cách để hạn chế khả năng lây lan cũng như giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Đối với trẻ sơ sinh mẹ nên tiếp tục cho con bú sữa, sau mỗi lần bú phải lau miệng và vệ sinh ngực thật sạch sẽ. Đồng thời, mẹ cho con bú cần hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều axit như cam, chanh và các loại trái cây nóng như vải, xoài, nhãn,...

Đối với trẻ lớn thì nên cho ăn nhiều rau xanh, trái cây có tính mát và không nên cho trẻ ăn hải sản, đậu phộng và đồ ăn mặn. Ngoài ra, để giảm hiện tượng đau rát cho trẻ thì bố mẹ có thể đắp khăn ướt lên vùng da mẩn đỏ để giúp da trẻ mát hơn.

Nên vệ sinh miệng bé bằng nước muối để ngăn ngừa vi khuẩn và nên tham khảo ý kiến bác sĩ để bôi thuốc mỡ cho trẻ. Hạn chế cho trẻ chạm vào các nốt mẩn đỏ, đồng thời vệ sinh răng miệng và tắm rửa sạch sẽ cho bé bằng nước ấm hàng ngày.