Way, cựu thành viên nhóm nhạc nữ Crayon Pop nhớ lại khoảnh khắc bối rối khi công ty gọi cô và các thành viên của nhóm thảo luận về tính nghiêm trọng khi chuyện tình cảm của hai thần tượng Kpop bị tiết lộ vào thời điểm ấy.

Way, cựu thành viên nhóm nhạc nữ Crayon Pop, hiện là người sáng tạo nội dung
cho kênh YouTube của cô, có tên "Wayland".

Theo Way, Chrome Entertainment nói rằng sự nghiệp của ngôi sao nữ kia gần như rơi xuống đáy khi mối quan hệ này công khai. Công ty chủ quản cảnh báo họ không được phép yêu đương nếu không muốn sự nghiệp sụp đổ.

"Tôi không hiểu tại sao công ty nói rằng chỉ có sự nghiệp của cô gái kết thúc khi rõ ràng tình yêu có sự tham gia của cả hai người," Way nói. Trong khi người phát ngôn của Chrome Entertainment phản hồi rằng họ không biết về cuộc nói chuyện này.

Ở Hàn Quốc, vấn đề bất bình đẳng giới, hay còn được gọi là "chủ nghĩa nam quyền", thường xuyên được đưa lên tiêu đề ở cả tin tức trong nước và quốc tế.

Nam quyền được thể hiện dưới nhiều hình thức. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất có thể thấy trong ngành công nghiệp Kpop là nhóm nhạc nữ luôn bị chỉ trích gay gắt hơn đồng nghiệp nam dù cả hai có hành động tương tự.

Mi Joo, thành viên nhóm Lovelyz bị quấy rối tình dục trên live stream.

Tháng 2/2019, Mi Joo, thành viên nhóm nhạc nữ Lovelyz, đọc được những bình luận quấy rối tình dục trong suốt buổi live stream của mình. Tin tức này lan nhanh như cháy rừng. "Hãy cho bọn anh thấy bộ ngực của em đi," một người viết dưới video trực tuyến.

Phía sau camera, những người xem nghe thấy một thành viên khác trong nhóm lặng lẽ chửi thề. Video này lập tức lan truyền trên mạng, các thành viên của Lovelyz bị chỉ trích dữ dội, hình tượng trong sáng của nhóm bị phá hủy.

Công ty của Lovelyz, Woollim Entertainment, nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi công khai, nhưng drama này vẫn tiếp tục khi các phương tiện truyền thông không ngừng đưa tin về cuộc tranh cãi.

Lovelyz theo đuổi hình tượng nữ tính ngọt ngào.

Trong khi đó, một video tổng hợp những tình huống tương tự cho thấy các thần tượng nam cũng chửi thề - bao gồm trưởng nhóm Sunggyu của Infinite - không hề nhận phản ứng dữ dội từ netizen hoặc phủ sóng khắp các trang báo.

Các idol nam chửi thề không nhằm vào người hâm mộ như Lovelyz, nhưng mấu chốt của những lời chỉ trích này không nằm ở việc các cô gái buông lời xúc phạm ai và tại sao lại làm thế, mà đơn giản chỉ bởi hành vi chửi thề của họ. "Họ luôn theo đuổi hình tượng ngây thơ, cho nên hành động này thực sự là một sự thất vọng lớn," một người bình luận.

"Công chúng đối xử với những ngôi sao nữ khắc nghiệt hơn bởi vì xã hội Hàn Quốc có cấu trúc phân tầng lấy nam giới làm trung tâm của sự thống trị và một nền văn hóa phân biệt đối xử với phụ nữ", Kim Sujeong, giáo sư khoa học truyền thông tại Đại học Quốc gia Chungnam nói. "Họ đòi hỏi các nữ thần tượng Kpop là người tốt bụng, ngoan ngoãn và trưởng thành. Họ sẽ xúc phạm idol khi không phù hợp với tiêu chuẩn đó," Kim nói thêm.

Way không còn tham gia vào ngành công nghiệp Kpop nữa, nhưng khi là một thần tượng, cô cảm thấy cực kỳ áp lực vì phải cố gắng đáp ứng những kỳ vọng của công chúng về cách hành xử mà một nữ idol nên có. "Công ty của tôi yêu cầu tôi nói chuyện dễ thương với tông giọng cao hơn, bởi vì khán giả không thích cách nói thẳng thừng và tự do như tôi," Way nói.

Tiffany Young từng bị chửi bới vì đăng một hình ảnh nhạy cảm trong ngày Quốc khánh Hàn Quốc.

Nữ ca sĩ nổi tiếng Tiffany Young của nhóm Girls’ Generation từng nhận những lời chỉ trích gay gắt vào năm 2016, khi cô đăng tải một hình ảnh trên Instagram có gắn biểu tượng cảm xúc cờ Nhật Bản trong ngày Quốc khánh Hàn Quốc, khiến nhiều người liên tưởng đến cuộc chiến tranh trong quá khứ giữa hai đất nước này. 

Tiffany chia sẻ bức thư viết tay gần như ngay lập tức sau khi đăng ảnh, nhưng sự giận dữ của công chúng không lắng xuống, và cô bị loại khỏi chương trình thực tế Sister’s Slam Dunk đang tham gia. Một số người cảm thấy những lời lăng mạ Tiffany là không công bằng, đặc biệt sau khi xem xét những nỗ lực sửa chữa sai lầm của nữ thần tượng.

Bài đăng nhắc đến Nhật Bản trong ngày Quốc khánh Hàn Quốc của Tiffany khiến cộng đồng giận dữ.

Oh Ji-eun, một ca sĩ, nhạc sĩ Hàn Quốc, đã phản ứng lại quyết định của tổ sản xuất Sister’s Slam Dunk về việc loại Tiffany khỏi chương trình. Oh viết trên mạng xã hội: "Tôi nghĩ tình huống này đi quá xa chỉ bởi vì Tiffany là một cô gái trẻ... Các bạn không nghĩ rằng chuyện này xảy ra quá thường xuyên khi họ là những người trẻ?".

Oh Ji-eun đề cập đến một sự cố trong chương trình thực tế của Hàn Quốc liên quan đến việc Seolhyun và Jimin của nhóm nhạc nữ AOA không nhận ra bức chân dung của An Jung-geun, một nhà hoạt động nổi tiếng của Hàn Quốc dưới thời Nhật Bản cai trị. Nhiều nhà phê bình và các phương tiện truyền thông nổi giận vì sự thiếu hiểu biết về lịch sử của họ, và hai cô gái đã rơi nước mắt trong khi xin lỗi tại một showcase quảng bá bài hát mới của nhóm.

Một số nhà nghiên cứu Kpop lưu ý rằng những lời chỉ trích về việc thần tượng thiếu kiến thức lịch sử phụ thuộc vào giới tính của họ. Họ quan sát cách phương tiện truyền thông và công chúng phản ứng khi P.O – thành viên nhóm nam Block B – được yêu cầu gọi tên địa danh tìm thấy bởi Bak Hyeokgeose, vị vua sáng lập Silla, một trong ba vương triều của Hàn Quốc. Hầu hết các học sinh cấp hai đều có thể trả lời câu hỏi đó, nhưng đáp án của P.O là "Trung Quốc", và khán giả im lặng.

 Seolhyun (giữa) và Jimin (phải).

Theo Kim Sujeong, những chỉ trích nhằm vào P.O chỉ là một phần nhỏ so với những gì các thành viên AOA phải chịu đựng. "Nếu không bàn về giới tính, mọi người chỉ muốn idol có ý thức xã hội hơn thì có nên ủng hộ các nữ thần tượng hiểu biết về bình đẳng giới không? Nhưng công chúng không làm thế," Kim nói.

Chủ nghĩa nữ quyền bị bóp méo ở Hàn Quốc, và phụ nữ thể hiện quan điểm nữ quyền thường phải đối mặt với hậu quả, chẳng hạn như bị đuổi việc. Năm 2016, nữ diễn viên lồng tiếng Kim Jayeon bị công ty game Nexon sa thải sau khi tweet một bức ảnh cô mặc áo phông có dòng chữ "Con gái không cần hoàng tử". Chiếc áo được sản xuất bởi nhóm nữ quyền Megalia4, một cộng đồng trực tuyến bị nhiều game thủ gọi là "nhóm anti đàn ông".

Park Yee-un, thành viên của nhóm nhạc nữ nổi tiếng thế hệ thứ hai Wonder Girls, từng gây ra sự phẫn nộ và bị công chúng buộc tội là một người ủng hộ nữ quyền sau khi cô đăng một bài bình phẩm về bộ phim Kim Ji Young: Born 1982, tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên năm 2016, ghi nhận việc phát động cuộc bàn luận về bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc. Một người bình luận: "Cô ta trải qua sự phân biệt đối xử nào trong đời mà nói như thật thế?" Một người nổi tiếng khác, trưởng nhóm Irene của Red Velvet, cũng bị netizen tấn công vì cô đọc cuốn sách này.

Irene (Red Velvet).

Son Na-eun, thành viên của nhóm nhạc nữ Apink, cũng từng bị lên án khi đăng trên Instagram một bài (hiện đã bị xóa) với hình chiếc vỏ điện thoại có câu "Phụ nữ có thể làm mọi thứ".

"Cách mọi người nổi giận và lăng mạ các idol nữ, những người vốn thậm chí chỉ thể hiện một chút dấu hiệu nữ quyền, cho thấy những gì mà người ta mong đợi ở phái nữ khác biệt rõ ràng như thế nào", giáo sư Kim Sujeong nói.

Way, hiện là người sáng tạo nội dung trên kênh YouTube có tên "Wayland", nói rằng một vài người bạn của cô cũng là cựu thần tượng Kpop đang hạnh phúc với công việc mới, vì không phải sống theo những kỳ vọng khắc nghiệt của công chúng.

"Có những tiêu chuẩn khắt khe hơn và nhiều hạn chế hơn đối với thần tượng nữ so với thần tượng nam, và nó hoàn toàn không công bằng. Họ nói rằng xã hội đã thay đổi rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi," cựu thành viên Crayon Pop nói.