Theo nghiên cứu, việc tập cho trẻ ăn các loại rau sống hay còn gọi là rau gia vị không chỉ giúp bé làm quen với đa dạng các loại mùi vị thực phẩm mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, phòng chống ung thư hiệu quả. 

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Khoa dinh dưỡng nhi Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh), sẽ hướng dẫn cha mẹ cách tập cho trẻ ăn một số loại rau sống (rau gia vị trong những năm đầu đời).

Thì là

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, có thể giới thiệu thì là cho bé ăn từ giai đoạn 8 tháng tuổi, bắt đầu từ 2 lá nhỏ. Loại rau này kết hợp tốt với thịt cá, giúp làm giảm triệu chứng nôn ói khi ăn, gia tăng mùi vị thức ăn.

Lá nguyệt quế (nguyệt quế Hy Lạp)

Đây là một trong những loại rau gia vị phổ biến ở các nước châu Âu và đã có mặt ở nước ta. Cha mẹ có thể giới thiệu khi trẻ 9 tháng tuổi, bắt đầu với 2 lá vừa. 

Lá nguyệt quế kết hợp tốt với nhóm protein từ thịt bò, thịt cá, thịt gà và đậu. Khi cho trẻ ăn nên vớt bỏ lá chỉ để mùi để tránh vị đắng nồng. Tập thói quen ăn uống này, khi lớn trẻ dần làm quen được vị đắng nồng mà không hề ái ngại.

Tỏi

Hợp chất lưu huỳnh tự nhiên tạo nên mùi hăng đặc trưng của tỏi có thể làm trẻ dưới 1 tuổi không thích ăn. Do đó, cha mẹ có thể tập cho trẻ ăn tỏi sau 1 tuổi, bắt đầu từ 1/2 - 2 tép tỏi nhỏ.  

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết thao tác đập dập tỏi là phương pháp tốt để giải phóng những hợp chất tốt chứa lưu huỳnh. Trẻ dưới 2 tuổi không nhất thiết ăn được tỏi, chỉ cần quen với vị và mùi. Sau 2 tuổi có thể ăn, kết hợp tốt với hầu hết các loại thịt.

Hành tím

Cha mẹ có thể giới thiệu 1/2-1 củ hành vừa cho trẻ sau 8 tháng tuổi. Khi chế biến hành cho trẻ, hãy cắt nhuyễn đều tay, không nên đập dập để thực phẩm này giải phóng tốt nhóm hợp chất thơm. Kết hợp tốt khi ướp hành với cá, thịt gà và thịt heo, trứng để nấu cho trẻ ăn.

Gừng 

Có thể giới thiệu cho trẻ trong giai đoạn từ 1.5 tuổi với một lát gừng mỏng, cắt sợi hoặc bằm nhuyễn.

Gừng hỗ trợ tốt các vấn đề tiêu hóa và trị ho khi kết hợp với một muỗng mật ong tự nhiên (không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi), tránh kết hợp gừng trong bữa ăn tối sau 6 giờ chiều.

Gừng có thể dùng để ướp hoặc chế biến cho trẻ từ 1.5-3 tuổi. Sau 3 tuổi trẻ có thể quen và uống được nước gừng bằng cách cho một lát gừng vào nước ấm.

Lá hương thảo

Lá hương thảo (Rosemary) cũng là một loại rau gia vị có nguồn gốc châu Âu. Cha mẹ có thể tập cho trẻ ăn từ sau 1 tuổi, bắt đầu với 2-3 lá mỗi lần ăn. 

Loại lá này rất phù hợp để cha mẹ kết hợp với các món nướng. Chất béo khi nướng sẽ làm giải phóng sớm các hợp chất tự nhiên từ hương thảo làm giảm nguy cơ hình thành các tác nhân ung thư do nhiệt độ cao (HCAs), dựa theo nghiên cứu của TS. J.Scott Smith, ĐH Arkansas (Mỹ). Kết quả này cũng tìm thấy khả quan ở các món súp khi phải ninh quá lâu. 

Gừng, tỏi và lá xạ hương cũng tìm thấy có vai trò tương tự làm giảm HCAs trong chế biến. Hương thảo có thể kết hợp tốt với thịt gà, thịt bò, thịt vịt.

Hành lá

Hành lá giải phóng nhanh hợp chất tự nhiên quercetin khi ở nhiệt độ vừa chín. Hợp chất này có lợi ích trong việc ngăn ngừa đau khớp và tim mạch. Do đó, việc thêm hành lá vào lúc vừa chín sẽ có hiệu quả tốt hơn. Cha mẹ nên giới thiệu hành lá cho trẻ từ sau 8 tháng tuổi, bắt đầu với 1 - 2 lá đầu tiên.

Rau mùi (ngò rí)

Trẻ từ sau 9 tháng tuổi có thể ăn được rau mùi, bắt đầu với 1 - 2 cây nhỏ trước tiên. Rau mùi chứa các hợp chất tự nhiên giúp làm dịu hệ tiêu hóa. Chúng thích hợp với các món cháo cá, cháo gà hoặc súp.

Phụ nữ cho con bú cũng có thể ăn kết hợp rau mùi cùng các món cháo gà, cháo cá vào bữa sáng nhằm hỗ trợ quá tình tiết sữa, tốt cho tinh thần sau sinh.