Là cha mẹ, chúng ta đều muốn con mình cảm thấy hài lòng, tự tin về bản thân. Một trong những phương pháp được áp dụng nhiều chính là khen ngợi trẻ.

Khen ngợi trẻ không hẳn là một điều xấu. Nghiên cứu cho thấy rằng có những lợi ích khi khen ngợi trẻ. Một lời khen đơn giản có thể tạo ra giá trị bản thân và niềm tự hào. Tuy nhiên, việc khen ngợi sẽ đem lại những ảnh hưởng khác nhau tùy thuộc vào lời khen đó là gì, khi nào và tần suất đưa ra lời khen.

Nhà trị liệu tâm lý Jessica VanderWier, người làm việc chủ yếu với gia đình và trẻ em và là người sáng lập Our Mama Village, nơi cô cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nuôi dạy con cái thông qua các khóa học trực tuyến, huấn luyện cá nhân và các nguồn tài nguyên miễn phí, đã nhiều lần chứng kiến ​​những tác động tiêu cực của việc đánh giá quá cao tài năng hoặc kết quả của một đứa trẻ qua những lời khen như “Điều này trông thật tuyệt vời!” “Con thật đẹp trai!” “Làm tốt lắm!”.

Có những cách khen ngợi đúng và sai, đem lại ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Dưới đây là những điều cha mẹ của những đứa trẻ tự tin, năng động và có tinh thần mạnh mẽ luôn làm khi khen ngợi con mình.

Khen ngợi quá trình của trẻ

Khi bạn khen ngợi quá trình thay vì tài năng hoặc kết quả, trẻ có nhiều khả năng phát triển thái độ tích cực đối với những thử thách trong tương lai. Ví dụ bạn nên khen ngợi khi trẻ nỗ lực làm bài tập thay vì tập trung khen khả năng tự nhiên của trẻ khi làm bài tập một cách nhanh chóng.

Vào những năm 1990, Carol S. Dweck, giáo sư tâm lý học tại Stanford’s Graduate School of Education, đã nghiên cứu tác động của những kiểu khen ngợi này. Trong một thí nghiệm, một nhóm trẻ em được cho biết rằng chúng thành công vì sự thông minh của bản thân, trong khi nhóm thứ hai được cho biết chúng thành công vì chúng làm việc chăm chỉ.

Khi hai nhóm được hỏi nhiều câu đố khác nhau, trẻ ở nhóm thứ hai có nhiều khả năng chọn câu đố khó hơn. Giáo sư Dweck cũng nhận thấy rằng việc khen ngợi quá trình làm cho trẻ có khả năng cảm thấy tự tin hơn trong một nhiệm vụ ngay cả khi trẻ có thể mắc sai lầm.

Không bao giờ dùng cách so sánh để khen trẻ

Cha mẹ thường thích so sánh. Đôi khi các cha mẹ sẽ nói với con mình rằng chúng giỏi hơn những đứa trẻ khác.

Thông thường, việc so sánh được thực hiện với mục đích tốt. Cha mẹ muốn trẻ cảm thấy tự hào và có động lực để làm tốt hơn nữa vào lần sau.

Tuy nhiên, thật không lành mạnh nếu trẻ bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của sự so sánh và cạnh tranh. So sánh xã hội có thể dạy trẻ em luôn đo lường thành công của bản thân dựa trên kết quả của người khác.

Thậm chí tệ hơn, theo nghiên cứu, trong một số trường hợp, khen ngợi trẻ về bằng cách so sánh có thể làm tăng lòng tự ái, hành vi tìm kiếm sự chú ý và thiếu giá trị làm việc theo nhóm.

Đâu là cách tiếp cận tốt hơn? Các cha mẹ nên khuyến khích trẻ so sánh những nỗ lực của bản thân trong quá khứ với những nỗ lực hiện tại hơn là với những người khác. Điều này giúp trẻ có thói quen thay đổi mục tiêu của mình, thay vì trở nên tốt hơn mọi người thì sẽ hướng đến hoàn thiện và phát triển bản thân.

Đưa ra lời khen dựa vào việc quan sát trẻ

Thay vì nói “Con làm tốt quá!”, bạn có thể muốn nói “Mẹ thích màu sắc trong bức tranh của con đó. Sao con lại chọn những màu này?”.

Hoặc thay vì nói “Con trông giống như một vận động viên đua xe đạp vậy đó!”, các cha mẹ có thể nói điều gì đó như “Con đã rất cẩn thận và tập trung khi đạp xe. Dù bị ngã nhưng con vẫn tiếp tục tập. Con giỏi lắm.”  

Những điều chỉnh ngôn ngữ đơn giản này có thể giúp con bạn cảm thấy tự hào về bản thân vì đã nỗ lực vào một việc gì đó. Nó cũng có thể khiến trẻ hào hứng hơn để đảm nhận những việc khó khăn hơn trong tương lai.

Cuối cùng, điều quan trọng là tạo ra một môi trường an toàn về cảm xúc. Nếu con bạn làm không tốt trong bài kiểm tra chính tả, đừng nói với trẻ rằng đáng lẽ chúng phải học chăm chỉ hơn. Thay vào đó, hãy hỏi trẻ xem trẻ nghĩ mình có thể làm gì để cải thiện trong lần tới.

Trẻ em cần biết rằng các em có thể đến với cha mẹ không chỉ khi các em làm tốt điều gì đó mà ngay cả khi đang gặp khó khăn với một nhiệm vụ hoặc thử thách cụ thể nào đó, trẻ cũng có thể chia sẻ với cha mẹ.