Cả gia đình mắc căn bệnh tưởng chỉ người ở bẩn mới gặp, nguyên nhân từ chuyến công tác xa của bố
Ths.BSCK II Nguyễn Tiến Thành (Thành viên Hội Da liễu Việt Nam) cho biết, mới điều trị cho một gia đình bị ngứa, loét nặng, đóng vảy do ghẻ, trong đó em bé 5 tháng tuổi bị tổn thương nhiều nhất.
Gia đình cho biết, sau 3 ngày người bố đi công tác xa về thì cả nhà bắt đầu xuất hiện biểu hiện ngứa da. Tình trạng ngày càng nặng, xuất hiện thêm tổn thương mụn nước, sẩn ngứa, ngứa nhiều ở kẽ tay, bộ phận sinh dục, đặc biệt ngứa nhiều về ban đêm nên ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Cháu bé 5 tháng tuổi bị ghẻ tấn công. Ảnh: BSCC.
Do nghĩ chỉ là ngứa vì thay đổi thời tiết nên gia đình tự đi mua thuốc bôi và tắm nước lá trầu, lá xoan… nhưng tình trạng không giảm. Khi các nốt mụn nước và nốt mẩn ngứa mới ngày càng mọc nhiều, nhất là em bé 5 tháng tuổi hay quấy khóc về đêm, gia đình mới đưa nhau đi khám da liễu.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Tiến Thành kết luận cả gia đình mắc bệnh ghẻ. Đây là bệnh do ký sinh trùng gây ra, lây từ việc tiếp xúc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua sử dụng chung đồ dùng cá nhân, quần áo nhiễm ký sinh trùng.
Khi bị ghẻ tấn công, tổn thương đặc hiệu là xuất hiện đường hang do cái ghẻ đào ở lớp sừng và mụn nước. “Hang do cái ghẻ gây nên thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu dương vật. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai”, bác sĩ Thành cho hay.
Sau chuyến công tác xa của người bố, cả gia đình sau đó mắc bệnh ghẻ. Ảnh: BSCC.
Khi bị ghẻ, nhiều người có phản xạ gãi, gây vết xước, vết trợt và dễ bị nhiễm khuẩn, viêm da… Để điều trị hiệu quả, bác sĩ Thành khuyến cáo, gia đình cần lưu ý bôi thuốc trị ghẻ đúng cách vào buổi tối, bôi kỹ những vùng nếp gấp, sinh dục, quanh móng, sau tai.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh có những thuốc bôi và tắm riêng theo chỉ định của bác sĩ, cách ly người bệnh với người không bị ghẻ, vệ sinh chăn chiếu, đồ dùng… Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm ngứa, kháng sinh, chống viêm nếu trẻ bị ghẻ bội nhiễm, chàm hóa... theo tư vấn của bác sĩ da liễu.
Theo bác sĩ Tiến Thành, hiện nhiều người có suy nghĩ bệnh ghẻ là do ở bẩn và chỉ ngày xưa mới có nhưng thực tế đây là bệnh ngoài da phổ biến ở mọi thời điểm. Do vậy, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh là tránh tiếp xúc trực tiếp với da của người bị bệnh ghẻ (bế, ôm, nằm cùng giường…).
Hình ảnh bàn tay người bị ghẻ tấn công. Ảnh: BSCC.
Ngoài ra, mọi người không nên sử dụng quần áo hoặc khăn trải giường chung với người bị nhiễm ghẻ. Gia đình cần vệ sinh, thay đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chiếu, khăn trải giường hàng ngày cho trẻ, sau đó phơi, sấy khô, là ủi hai mặt nếu có thể rồi bịt kín trong túi, sử dụng lại sau khoảng 5- 7 ngày.
Đặc biệt, khi có triệu chứng nghi ngờ bị ghẻ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc bôi, không tắm lá, đắp thuốc lá cây bởi việc làm này càng khiến tổn thương nghiêm trọng hơn và gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...