Theo ghi nhận của phóng viên Gia đình và Xã hội, tính từ sáng đến 14h chiều ngày 22/11, các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí đều ghi nhận mức độ ô nhiễm tại TP Hà Nội ở mức báo động, nhiều nơi chạm ngưỡng đỏ (có hại) và ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe con người).

Tính đến 14h ngày 22/11, lớp bụi mịn dày đặc vẫn bao trùm khu vực nội thành Hà Nội. Các tòa nhà cao tầng mờ ảo sau lớp bụi mịn. Tầm nhìn hạn chế, người dân gặp khó khăn khi tham gia giao thông.

Bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy sương mù kèm bụi mịn khiến bầu trời Hà Nội mù mịt, tầm nhìn bị hạn chế.

Tình trạng này duy trì suốt buổi sáng. Khoảng 12h chất lượng không khí được cải thiện nhưng vẫn phổ biến ở ngưỡng đỏ và ngưỡng cam (bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe các đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch). Có điểm ở mức báo động tím (mức rất có hại cho sức khỏe con người).

Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air với hàng chục điểm đo ghi nhận ô nhiễm không khí bao phủ khắp Hà Nội trong sáng nay. Phần lớn các điểm đo cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng đỏ. Một số điểm đo ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím.

Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air với hàng chục điểm đo ghi nhận ô nhiễm không khí bao phủ khắp Hà Nội. Phần lớn các điểm đo cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng đỏ. Một số điểm đo ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím.

Cụ thể, mức báo động tím ở khu vực trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, khu Nhân Chính (quận Thanh Xuân), khu gần trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội,...

Mức báo động đỏ thể hiện trên ứng dụng PAM Air gồm: Khu vực đường Đại Mỗ, Khu đường Tỗ Hữu đoạn gần đường Lương Thế Vinh, Khu Chùa Láng gần Học viện Ngoại giao, khu gần trường THCS Thành Công (Ba Đình), đoạn gần ngõ 192 đường Kim Mã, sâu trong ngõ 174 đường Hoàng Hoa Thám, trên địa bàn phường Quan Hoa, khu vực Quảng An (quận Tây Hồ), Đông Anh,…

Khói bụi bao trùm các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội.

Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tượng sương mù tại Bắc Bộ cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí xấu đi. Sương mù đóng vai trò như một lớp lưu giữ các chất ô nhiễm không khí gần mặt đất, làm cho nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao.

Trước đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra văn bản đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.…

Các chuyên gia về Y tế khuyến cáo, khi ra ngoài ở môi trường ô nhiễm không khí, người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo kín, khít mặt; vệ sinh mũi, súc họng vào buổi sáng và tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy sương mù kèm bụi mịn khiến bầu trời Hà Nội mù mịt, tầm nhìn bị hạn chế.

Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế đun nấu bằng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ và thay bằng bếp điện hoặc bếp gas. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng cần lưu ý thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn; hạn chế tối đa đi ra ngoài, đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc được xác định bởi các nguồn từ giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt rác.

Thông tin với báo giới, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh.

Ô nhiễm cao điểm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Vào mùa hè, thời tiết có nhiều nắng, gió, mưa tạo điều kiện cho việc khuếch tán không khí. Khi mùa đông đến, thời tiết ít gió, ít nắng, độ ẩm không khí cao khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán được, tích tụ gây ô nhiễm kéo dài.