Thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2020 chứng kiến nhiều khó khăn.

Tỷ lệ giải thể lĩnh vực bất động sản tăng cao nhất

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vừa công bố về tình hình đăng ký doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2020. Qua đó cho thấy những con số không được mấy tích cực đối với ngành bất động sản.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước có 88.651 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ.

Trong số này, có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019. Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3 với lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm tới 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm đáng lưu ý trong thống kê là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực.

Trong đó, lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là kinh doanh bất động sản với 923 doanh nghiệp, tăng 136,1%.

Tiếp theo mới đến các ngành như giáo dục và đào tạo (612 doanh nghiệp, tăng 95,5%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.918 doanh nghiệp, tăng 89,7%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.927 doanh nghiệp, tăng 85,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (248 doanh nghiệp, tăng 77,1%)...

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm 2020 là 10.353 doanh nghiệp, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019.

9/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Trong các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019, kinh doanh bất động sản tiếp tục dẫn đầu với 59%. Tiếp đó đến các ngành sản xuất phân phối, điện, nước, gas và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 40,9% và 30,3%.

Bao giờ thị trường bất động sản hồi phục?

Khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản quý 2 đã có những dấu hiệu phục hồi. Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực. Sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục.

“Hoạt động kinh doanh bất động sản đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn quý I và có những tín hiệu lạc quan, tích cực, có thể nói, đến nay thị trường bất động sản đang dần từng bước khôi phục lại sau thời gian giãn cách xã hội và sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng phát triển”, báo cáo Bộ Xây dựng công bố khi kết thúc quý 2 nêu rõ.

Tuy nhiên với đợt dịch bùng phát trở lại hồi tháng 7, thị trường bất động sản tiếp tục hứng chịu không ít khó khăn.

Trao đổi với Dân trí, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, do Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn từ việc phòng chống dịch Covid-19 làn sóng thứ nhất nên mức độ tác động của làn sóng thứ 2 đến phân khúc bất động sản nhà ở sẽ nhẹ hơn tuy nhiên lượng giao dịch được dự đoán sẽ có giảm sút so với thời gian phục hồi gần đây vào tháng 5, tháng 6 năm 2020.

“Các doanh nghiệp bất động sản tập trung nhiều vào công tác lấy dự án, chuẩn bị phát triển sản phẩm, phương án kinh doanh ngay khi có thể trong điều kiện bình thường mới và kịch bản nếu có làn sóng mới”, bà Hằng cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia CBRE nhận định tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản thương mại sẽ chậm hơn nền kinh tế nói chung. Theo Báo cáo đánh giá giữa năm về Triển vọng Thị trường bất động sản khu vực Châu Á – TBD của CBRE, hầu hết các mảng thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021.

CBRE dự kiến thị trường công nghiệp và kho vận sẽ phục hồi nhanh chóng khỏi sự suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra. Yếu tố kích cầu sẽ đến từ sự phát triển của mảng thương mại điện tử.

Còn lại các mảng thị trường bất động sản khác sẽ cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với xu hướng phát triển mới. Cụ thể các mặt bằng và toà nhà văn phòng sẽ cơ cấu lại để tăng tính linh hoạt trong việc đáp ứng các nhu cầu thuê đa dạng từ khách thuê; các khách sạn đang chờ sự quay lại của nhóm khách du lịch theo đoàn.

Trong khi đó, mảng bán lẻ sẽ phải thích nghi với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, những cửa hàng mua sắm truyền thống sẽ có ít khách lui tới hơn, nhưng lượng chi tiêu của khách cho một lần mua sắm sẽ cao hơn trước đây.