Mùa hè là thời điểm cho những chuyến du lịch cùng gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, sự thay đổi môi trường sống đột ngột có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm khiến bạn mệt mỏi và chuyến du lịch có thể bị phá hỏng.

Khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn có thể gặp tình trạng đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa. Nguyên nhân gây ngộ độc có thể đến từ thực phẩm địa phương hoặc từ nguồn nước bị ô nhiễm. Thông thường, ngộ độc thực phẩm có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày.

Ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy, nôn ói - Ảnh minh họa: Internet

Dưới đây là những cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm trong thời gian đi du lịch bạn cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe cũng như có thể thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ của mình:

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Uống nhiều nước

Ngộ độc thực phẩm dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa sẽ khiến cơ thể bạn mất rất nhiều nước. Chính vì vậy, bạn cần uống thật nhiều nước lọc, uống từng ngụm nhỏ và liên tục trong ngày. Bên cạnh đó, để bù nước và dinh dưỡng cho cơ thể, bạn có thể uống nước điện giải.

Tăng cường chất điện giải

Nôn mửa nhiều có thể gây mất cân bằng điện giải trong cơ thể, dẫn đến kiệt sức. Lúc này bạn cần phải bổ sung điện giải cho cơ thể ngay lập tức. Dùng nước dừa và nước uống thể thao là lựa chọn tốt nhất khi bị ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể - Ảnh minh họa: Internet

Ăn thức ăn mềm

Trong trường hợp các triệu chứng ngộ độc thực phẩm đã giảm bớt, cơn nôn ói không còn nhiều và bạn thấy đói trở lại thì có thể sử dụng những thức ăn mềm, nhạt, ít chất béo và dễ tiêu hóa như cháo, cơm và rau củ nấu mềm. Đây đều là những thực phẩm dễ tiêu hóa và không gây áp lực nặng nề cho dạ dày.

Khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn chỉ nên dùng những thức ăn mềm - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, bạn nên tránh dùng những thức ăn có khả năng gây kích ứng dạ dày như sữa, cà phê, trà, bia rượu, món cay nóng, nhiều chất béo… Nguyên nhân là do lúc này hệ tiêu hóa đang vô cùng nhạy cảm, nếu ăn phải những thực phẩm khó tiêu hóa sẽ gây kích ứng dạ dày trở lại, khiến tình trạng khó chịu và nôn mửa thêm trầm trọng.

Trong trường hợp tình trạng ngộ độc thực phẩm có dấu hiệu trầm trọng hơn, xuất hiện các triệu chứng như phân có máu, nôn ra máu, bị chuột rút, chóng mặt, khô miệng, choáng váng thì bạn nên đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, bạn nên sử dụng nước đóng chai và rửa tay thật kỹ trước khi ăn cũng như sau khi đi vệ sinh. Tránh ăn những món chưa được nấu chín, thức ăn lạ để giúp bảo vệ hệ tiêu hóa.