Ảnh minh họa: Internet

 

Chị Thanh Tâm yêu quý!

Chúng tôi có 2 con trai. Cháu lớn học quân sự, trở thành quân nhân chuyên nghiệp, đã có vợ con. Con trai thứ hai của tôi vừa tốt nghiệp đại học Luật, đang tiếp tục học các văn bằng, chứng chỉ bổ sung. 

Trong thời gian này, cháu được tuyển dụng làm việc cho một khách sạn ở phố cổ. Chỉ sau hơn 1 tháng con đi làm, tôi đã nhận thấy những đổi khác của con. Con chủ động đặt chuông đồng hồ để căn giờ đi làm. Hôm nào làm ca sáng, con cũng dậy sớm hơn cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị bữa sáng và thực phẩm bữa trưa cho bố mẹ. 

Hôm nào làm ca chiều, con đều cắm sẵn nồi cơm, chuẩn bị rau, thịt, cá sẵn sàng để bố mẹ về nấu. Con cũng vui vẻ, hồ hởi hơn, về nhà thích kể chuyện cho bố mẹ nghe về những người khách ở khách sạn mà con quan sát được. 

Mới đi làm có nửa năm mà con đã được tăng lương 2 lần, một lần theo quy định hết thời gian tập sự, một lần con được tăng lương trước thời hạn vì có cách giải quyết sáng tạo, giúp một vị khách được cấp cứu đúng và kịp thời. 

Con rất vui và làm việc chăm chỉ. Con cũng đã biết đóng góp tiền sinh hoạt phí với bố mẹ bằng nửa tháng lương của mình. Bây giờ, mỗi dịp đặc biệt, con đều dùng tiền lương để mua hoa, mua quà chúc mừng bố mẹ.

Nhưng khi chúng tôi nhắc đến việc chuẩn bị học lại tiếng Anh thi bằng IELTS cho kịp thời gian lấy bằng "ba chung" để chuẩn bị hồ sơ thi công chức, con lại nằng nặc đòi tiếp tục công việc lễ tân khách sạn. Con thấy đó là công việc vui vẻ, dễ, không phải nghĩ nhiều, mỗi ngày đều tiếp xúc với những người mới, giúp cháu phát triển kỹ năng giao tiếp. 

Cháu không thích học luật nữa. Bố cháu đang gay gắt đòi cháu phải bỏ việc ngay, tập trung vào các mục tiêu chính. Còn cháu thể hiện rõ thái độ dứt khoát giữ công việc, thậm chí còn đăng ký tăng ca liên tục cho các đồng nghiệp có việc đột xuất, rất ít khi ở nhà.

Không khí gia đình tôi cứ căng như dây đàn. Mong chị gợi ý giúp tôi cách "hạ hoả" cho chồng và phân tích cho cháu việc lựa chọn công việc trong tương lai.

Nguyễn Thị Hảo (Hà Nội)

 
Chị Hảo thân mến!

Chúc mừng anh chị đã được bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời, các con trưởng thành, chủ động lập thân, lập nghiệp.

Cũng giống như anh chị, nhiều bố mẹ mong muốn con phấn đấu, không bỏ phí kiến thức đã học. Chúng ta có kinh nghiệm, có các mối quan hệ có thể giúp đỡ con thuận lợi hơn trong hành trình ấy nên rất khó chia sẻ với những lựa chọn khác của con. Nhưng các con lại có đam mê, hoài bão của riêng mình. 

Và điều chúng ta nghĩ là tốt hơn cho con không chắc là điều các con muốn. Thực tế, con của anh chị mới đi làm một thời gian ngắn nhưng đã trở thành một chàng trai chín chắn, biết nghĩ và quan tâm đến gia đình. Đó cũng là những cơ sở khẳng định con có thể sống độc lập và chuẩn bị xây dựng gia đình của riêng mình được.

Anh chị nên thảo luận kỹ với nhau về việc cho phép con tự quyết định, lựa chọn tương lai của mình như thế nào. Chọn làm việc gì đã là một lựa chọn khó khăn nhưng làm thế nào để làm công việc đó tốt và ngày một phát triển với công việc đó càng khó khăn hơn, cần sự kiên trì, luôn phấn đấu học hỏi. 

Anh chị có thể phân tích với con về công việc lễ tân khách sạn, ngoài làm theo kinh nghiệm, yêu cầu thì cần học thêm những kiến thức gì. Muốn quản lý khách sạn, con cần tìm hiểu về ngành học nào, trường học nào, chi phí về thời gian và tài chính cho việc học đó. 

Muốn làm việc ở những khách sạn cao cấp, đa quốc gia thì con cần làm gì. Như vậy, con sẽ không chỉ dậm chân ở công việc lễ tân của khách sạn nhỏ. Sự phát triển công việc sau này của con cũng không đơn giản như bây giờ con đang làm.

Khi con mở rộng tầm nhìn và quan điểm phát triển trong công việc của mình sau này mà con vẫn quyết tâm gắn bó, thực hiện thì có lẽ đó là nghề chọn con, mong anh chị đồng hành cùng con, khích lệ con vạch ra lộ trình để hiện thực hoá nó.