Thật ra tôi cũng có ý như vậy lâu rồi, chỉ sợ mình quá vội vàng, nay được lời như cởi tấm lòng, tôi rất vui.

Nghe bạn gái kể bố mẹ cô ấy đều làm giáo viên, nghiêm khắc nhưng cũng rất tâm lý. Xưa nay bố mẹ vẫn luôn lo lắng chuyện tình cảm của cô ấy, chỉ sợ con gái khờ dại nhìn nhầm người. Nay cô ấy muốn đưa tôi về giới thiệu với cả nhà để họ yên tâm.

Trước lúc đến chơi, tôi cũng đã cẩn thận dò hỏi bạn gái sở thích của từng người trong nhà để chuẩn bị quà gặp mặt thật chu đáo. Tôi về mọi mặt đều không có gì quá xuất sắc, nhưng luôn tự tin mình không đến nỗi tệ, hy vọng sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp với bố mẹ người yêu trong lần đầu gặp mặt.

Đúng như bạn gái thường kể, bố mẹ cô ấy rất hòa nhã, cởi mở. Vừa đến nhà, nhìn cách cha mẹ con cái đối xử trò chuyện với nhau cũng đủ cảm nhận đó là một gia đình ấm áp. Họ đón tiếp tôi vui vẻ, nói chuyện thân thiện như người trong nhà. Sau bữa cơm thân mật, bố bạn gái còn rủ tôi cùng ông chơi cờ.

Thật may, bộ môn cờ tướng tôi cũng biết chơi dù không giỏi, coi như là hầu chuyện bố vợ tương lai cho vui. Có vẻ như bác ấy là cao thủ trong bộ môn này, nước cờ nào bác ấy đi cũng khiến tôi như vào ngõ cụt. Để tôi không chán nản, thỉnh thoảng tôi nhận ra bác ấy có nhường tôi vài nước.

Trong lúc chơi cờ, hai bác cháu có nói chuyện bóng đá, rồi bác hỏi thăm gia cảnh nhà tôi. Một lúc sau, sau khi dễ dãi nhường tôi một nước cờ, bác nói:

- Bác hỏi thật nhé, sau này cháu lấy vợ, chuyện lớn nhỏ trong nhà cháu có để vợ quyết định không?

- Dạ, sau này cháu lấy vợ, chuyện lớn nhỏ trong nhà gì cháu để cho vợ quyết hết. Cô ấy muốn như thế nào cũng được. Ý vợ là ý trời bác ạ.

Bác ấy nhìn tôi cười, lại hỏi tiếp:

- Thế sau này, nếu vợ cháu mâu thuẫn với mẹ cháu, là người ở giữa, cháu sẽ đứng về phe nào?

- Cháu sẽ đứng về phe vợ cháu chứ. Nói gì thì nói, vợ là người sống với mình cả đời, mình không bảo vệ vợ thì bảo vệ ai ạ. Mẹ có giận thì rồi cũng qua, nhưng vợ giận là mệt đấy ạ. Cháu sẽ không để vợ cháu phải cô đơn tủi thân ở nhà chồng đâu.

Nghe tôi nói xong, bác ấy cười rất to nhưng lại nói: "Mẹ cháu mà nghe cháu nói thế sẽ buồn lắm đấy".

Buổi nói chuyện của hai bác cháu kết thúc ở đó, vì trời đã khuya, tôi cũng xin phép ra về. Bạn gái tiễn tôi ra tận cổng, hỏi nay đến chơi nhà có thoải mái không? Tôi bảo rằng tôi rất vui, rất thích không khí trong nhà em, bố em cũng không khó tính hay nghiêm khắc như em kể.

Thế nhưng sau buổi đến chơi nhà đó, cảm giác như em cố ý tránh tôi. Tôi gọi điện hay nhắn tin bất kể lúc nào em đều nói đang bận nọ bận kia nên không tiện nói chuyện hay trả lời tin nhắn được.

Yêu nhau bao lâu, tôi chưa bao giờ thấy cô ấy bận đến vậy (Ảnh minh họa: Getty Images).

Điều này khiến tôi cảm thấy lạ, bởi yêu nhau bao lâu, chưa bao giờ em có thái độ như vậy, chưa nói đến việc em chắc chắn không bận đến mức ấy.

Cuối cùng sau khi tôi gặng hỏi em mới hẹn tôi đi uống nước và nói rằng bố em không hài lòng về tôi và khuyên con gái nên suy nghĩ kĩ, cân nhắc mối quan hệ tình cảm này.

Khỏi phải nói, tôi rất bất ngờ về những gì vừa nghe. Tôi lục lại trong trí nhớ mình, rõ ràng hôm đó ai cũng vui vẻ, tôi cũng không nghĩ mình đã sai điều gì khiến bố em đánh giá thấp. Tôi hỏi em lý do vì sao bố em lại nói như vậy. Em bảo:

"Bố em kể là hôm ấy bố có hỏi anh hai câu hỏi, nhưng câu trả lời của anh khiến bố em không hài lòng. Thứ nhất, anh bảo sau này lấy vợ, chuyện to nhỏ gì trong nhà cũng sẽ để vợ quyết hết. Như vậy anh là một người đàn ông vô trách nhiệm, không có chính kiến, mọi gánh nặng sẽ dồn lên vai vợ. Làm vợ anh chắc chắn sẽ rất vất vả.

Thứ hai, khi bố hỏi nếu mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn, anh sẽ bênh ai. Anh không do dự mà nói rằng sẽ bênh vợ, bất kể đúng sai như thế nào. Như vậy, anh không phải là người con có hiếu, công bằng và hiểu chuyện. Đúng ra là người ở giữa anh phải ứng xử khéo léo để mẹ và vợ hiểu nhau, xóa bỏ những mâu thuẫn. Đằng này anh lại bênh vợ. Anh không coi trọng mẹ mình, sẽ khiến vợ anh cũng không coi trọng mẹ chồng. Có một người con như vậy, làm mẹ sẽ rất khổ tâm.

Em không biết những gì bố em nói về anh có đúng không. Nhưng bố mẹ em là giáo viên và khá giỏi về nắm bắt tâm lý người khác. Bố nói một người như anh, khi yêu có thể nhiệt thành nhưng lấy làm chồng thì chưa đủ tin cậy và vững chãi để dựa dẫm".

Nghe em nói mà tôi ngớ người. Tôi nhớ bác ấy có hỏi và đúng là tôi có trả lời như vậy. Lúc đó tôi cũng nghĩ là bác hỏi cho vui nên cũng trả lời cho vui thôi. Tôi đâu có ngờ bác ấy dùng hai câu hỏi đó để đánh giá đạo đức và con người tôi. Cũng không nghĩ rằng mới một lần gặp mặt, và chỉ qua hai câu trả lời bác ấy đã cho rằng tôi không có khả năng là một người đàn ông đáng tin cậy.

Thái độ của người yêu cũng khiến tôi thất vọng. Cô ấy rõ ràng là yêu tôi, nhưng lại nhìn nhận tôi qua con mắt đánh giá của bố mẹ mình sau đó bất ngờ "đá văng" tôi ra khỏi cuộc đời cô ấy một cách vô lý như vậy.

Bây giờ tôi không biết nên làm như thế nào. Một mặt vẫn muốn níu kéo cô ấy, muốn chứng tỏ với bố mẹ cô ấy là tôi có khả năng làm cho cô ấy hạnh phúc. Nhưng mặt khác, lòng tự ái khiến tôi khó chịu muốn dừng lại ngay và luôn. Tôi chưa từng nghe có bậc phụ huynh nào lại đánh giá con rể tương lai bằng những câu hỏi kiểu như vậy.