Đua nhau “thổi” giá 

Giai đoạn đầu năm 2019, Bình Thuận được xem là điểm “nóng” của thị trường bất động sản (BĐS) phía Nam khi hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đua nhau giới thiệu nhiều dự án lớn nhỏ ra thị trường. Đây là nguyên nhân khiến cho giá đất tại các địa phương như Thị xã La Gi, TP.Phan Thiết hay trung tâm du lịch Mũi Né bị đẩy lên cao, nóng “sốt” theo từng ngày. 

Việc chậm trễ trong khâu thẩm định pháp lý dự án ở TP.HCM khiến cho không ít doanh nghiệp tạm rời bỏ thị trường này để tìm về Bình Thuận. Bên cạnh phân khúc đất nền, các loại hình BĐS nghĩ dưỡng như condotel hay biệt thự biển đua nhau xác lập mặt bằng giá mới.

Tiến công vào thị trường Bình Thuận năm nay, có các doanh nghiệp như Novaland, Hưng Lộc Phát, Lộc Tú, Nông thị Dubai Việt Nam, TMS Group, Capital Verte, DKRA Vietnam… trong đó có dự án được giới thiệu có vốn đầu tư lên đến vài ngàn tỷ đồng. Quan sát cho thấy, hầu hết các dự án đều tập trung tại TP.Phan Thiết và được tung ra thị trường vào quý 2 và quý 3/2019. 

Dự án Queen Pearl Marina Complex. 

Tại Thị xã La Gi, địa phương có cảng cá thuộc loại lớn nhất tỉnh, mới đây cũng xuất hiện dự án Queen Pearl Marina Complex, phường Phước Lộc. Đây là dự án do DKRA Vietnam và LinkHouse phân phối, giá bán tại dự án này thuộc hạng cao ngất, dao động từ 1,8 – 6 tỷ đồng/nền nhà phố, biệt thự biển. 

Theo một nhân viên bán hàng của dự án Queen Pearl Marina Complex, trong 3 năm trở lại đây giá đất nền tại Thị xã La Gi liên tục tăng, mức tăng từ 150% - 300%. Giá này vẫn còn khá thấp, nếu bỏ tiền vào dự án Queen Pearl Marina Complex, nhà đầu tư “chắc chắn có lợi nhuận” (!?). 

Tuy nhiên, trao đổi với PV Phụ nữ Sức khoẻ, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Lộc, Thị xã La Gi cho biết, giá đất tại địa phương chỉ mới “nóng sốt” vài tháng trở lại đây, sau khi Thị xã La Gi chính thức trở thành đô thị loại III. Giới cò đất dựa vào thông tin Thị xã La Gi được quy hoạch lên đô thị loại II vào năm 2020 để “thổi” giá. 

Người dân có tài sản trên đất dự án Queen Pearl Marina Complex vẫn đang khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ di dời. 

“Giá đất dự án được rao bán 17 triệu đồng/m2 là quá cao, ngay cả người dân địa phương cũng thấy bất ngờ. So với năm 2018, giá đất khu vực phường Phước Lộc này chỉ tăng từ 20% - 30%”, Phó Chủ tịch phường Phước Lộc nói. 

Không chỉ giá bán, Queen Pearl Marina Complex còn gây chú ý trong thời gian gần đây vì bị nhiều hộ dân tại phường Phước Lộc phản đối. Đây là những hộ dân có trại sơ chế và phơi mực từ hàng chục năm qua, nhưng khi chính quyền địa phương thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp triển khai dự án lại không bồi thường, hỗ trợ di dời đối với phần tài sản trên đất. 

Giá đất quanh dự án sân bay Phan Thiết “nhảy múa”

Ngược về xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết, đây cũng là điểm “nóng” bất thường của thị trường BĐS Bình Thuận thời gian gần đây. Giới cò đất từ khắp nơi đổ bộ về đây làm giá. Dọc các tuyến đường đi vào dự án sân bay Phan Thiết, từng tốp người đứng đứng trước các lô đất chực chờ khách. 

Tiếp xúc với một cò đất tên H, người này cho biết thông tin xã Thiện Nghiệp có dự án sân bay Phan Thiết nên giá đất tại khu vực này tăng theo từng ngày. Một hecta đất nông nghiệp hiện có giá bán từ 20 – 40 tỷ đồng, tuỳ vị trí xa hay gần sân bay. 

“Anh yên tâm, mua đất khu này chắc chắn sẽ có lãi. Hầu hết đất nông nghiệp của người dân địa phương đều đã được gom mua hết rồi. Có người mua lô đất này giá 2 tỷ đồng nhưng hôm sau đã rao 4 tỷ đồng”, H. chỉ tay về lô đất trước mặt nói. 

Nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về khu vực quanh dự án sân bay Phan Thiết "săn" đất. 

Theo tìm hiểu của PV, giá đất nông nghiệp trước đây được người dân địa phương bán giá 200 – 300.000 đồng/m2, nhưng hiện nay đã tăng gấp 10 lần, lên 2 – 3 triệu đồng/m2. 

Nhiều dự án BĐS khác như Summer Land Mũi Né, Diamond Bay Phan Thiết, Novaworld, Goldsand Hill Villa… cũng lấy dự án sân bay Phan Thiết tương lai làm lợi điểm về hạ tầng giao thông để rao bán. 

Dự án sân bay Phan Thiết có quy mô 543 hecta với khu bay quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý và hạng mục hàng không dân dụng. Công ty CP Rạng Đông được UBND tỉnh Bình Thuận chọn làm nhà đầu tư đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT. 

Tuy nhiên, được khởi công từ tháng 1/2015 nhưng đến nay dự án sân bay Phan Thiết vẫn “giậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, tuyến đường vào sân bay Phan Thiết nối từ tỉnh lộ 706B khởi công từ năm 2017 nhưng hiện vẫn chưa hoàn hoàn thành. 

Về vấn đề “sốt” đất khu vực quanh dự án sân bay Phan Thiết, ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết, lợi dụng thông tin về dự án sân bay Phan Thiết, giới cò đất từ khắp nơi đổ về rầm rộ giao dịch gây nên cơn sốt đất. Đây là hiện tượng bất thường và có dấu hiệu lừa đảo.

Theo ông Khôi, sau khi lập đoàn tiến hành kiểm tra UBND TP.Phan Thiết đã có chỉ đạo các phòng ban, thậm chí cơ quan công an theo dõi sát tình hình, khoanh vùng các đối tượng có dấu hiệu đầu cơ và có dấu hiệu lừa đảo để xử lý theo quy định. Đồng thời, thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân địa phương nâng cao cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân của các nhóm lừa đảo.