Sự thật thứ nhất: bạn sẽ phải chết

Chúng ta đều biết điều đó, ai cũng biết rằng mình sẽ phải chết. Nhưng hầu hết chúng ta đều sống như thể sẽ luôn có một ngày khác, qua ngày hôm nay sẽ luôn có ngày mai. Chính tư duy ấy khiến con người chúng ta luôn luôn cảm thấy sợ hãi khi phải nghĩ về cái chết.

Tuy nhiên, nhiều nhà tư tưởng vĩ đại (bao gồm Stoics và cả các võ sĩ samurai) lại có niềm tin mãnh liệt về một cuốc sống tốt đẹp hơn khi con người nhận thức được về cái chết. Điều này không còn dựa vào yếu tố tâm linh nữa mà đã được các nhà khoa học đồng tình. Cụ thể như tờ Science Daily đưa tin:

"Suy nghĩ về cái chết thực sự là một điều tốt vì nó không chỉ cải thiện sức mạnh về thể chất mà còn tạo động lực giúp chúng ta cố gắng hoàn thành những mục tiêu đề ra trước đó".

 
Hãy thử tưởng tượng xem, nếu không có cái thứ gọi là "deadline" thì liệu bạn sẽ hoàn thành được bao nhiêu công việc, chắc hẳn là rất ít. Cái chết cũng vậy, nó là giới hạn thời gian của mỗi con người, nếu không có nó thì có lẽ mọi thứ sẽ bị trì hoãn mãi mãi. Vậy nên có thể thấy, sự giới hạn không còn là một điều khiến chúng ta cảm thấy khó chịu nữa, đặc biệt là giới hạn thời gian, nó sẽ giúp chúng ta tập trung hơn và luôn hết mình trong cuộc sống.

Nhưng trên thực tế, con người hầu như không mấy quan tâm đến cái chết của bản thân khi họ vẫn còn đang sống khỏe mạnh vì họ đâu có có cơ hội trải qua để mà biết, mà cảm nhận. Chính vì thế, chúng ta đang tự làm mất đi của chúng ta những điều ý nghĩa nhất trên cuộc đời, người thân, bạn bè, cơ hội và cả niềm vui. Chúng ta lờ đi cái chết, coi nó như một thứ quà "xa xỉ" của Thần Chết để rồi khi thời gian trôi qua, ta lại cảm thấy tiếc nuối vì đã không hết mình. Điều đó thực sự còn đáng sợ hơn cả cái chết.

Sự thật thứ hai: Cuộc sống không chỉ có màu hồng

Trong cuộc đời mỗi người có biết bao nhiêu ước muốn: "Nếu tôi có thật nhiều tiền, tôi sẽ hạnh phúc mãi mãi", "Nếu tôi được thăng chức, tôi sẽ…", "Nếu trở thành…". Nhưng nếu chỉ ngồi đó ước và hưởng thụ thì đâu còn những thứ gọi là cố gắng hay động lực nữa. 

Cuộc đời vốn dĩ không chỉ có niềm vui mà còn có cả những buồn đau, chán nản và cả những cảm xúc tiêu cực khác. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng cuộc đời của một ai đó sẽ có ngày bị bao trùm bởi một màu xám xịt hoàn toàn.

Dẫu biết rằng sẽ có những lúc ta cảm thấy gần như sụp đổ, hãy chấp nhận những khoảnh khắc đau buồn ấy, đừng chỉ ở đó và mong một phép màu có thể giải quyết mọi chuyện. Chấp nhận nó, đứng dậy và tự tạo nên những màu sắc khác tươi sáng hơn cho cuộc đời mình. Nếu quá khó khăn, hãy tự đi tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh mình.

Sự thật thứ ba: Để đạt được điều mình muốn, chăm chỉ thôi là chưa đủ

Nếu đã từng đọc cuốn "Những kẻ xuất chúng" của Malcolm Gladwell, chắc hẳn bạn đã biết tới "quy tắc 10000 giờ" mà tác giả đưa ra: Để trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần phải trải qua 10000 giờ luyện tập. Sau khi cuốn sách được xuất bản, nó đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều về "con số kì diệu" ấy. 

Nhiều ý kiến cho rằng con số ấy không chính xác. Họ đã chỉ ra rằng không phải tất cả các lĩnh vực đều có thể trở nên thành công mà chỉ có luyện tập, nó còn cần đến nhiều yếu tố khác nữa như tài năng thiên bẩm, trí thông minh, tính cách… Dẫu biết rằng con người nhìn chung không trở nên giỏi khi không luyện tập, nhưng chỉ luyện tập thôi là không đủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều người đã rất nỗ lực trong lĩnh vực của họ nhưng vẫn không trở nên xuất sắc.

Một yếu tố khác vô cùng quan trọng trong việc quyết định thành công của bạn là đam mê. Nếu đã đam mê, hãy cứ làm việc hết sức, bạn càng chăm chỉ thì sẽ gặt hái được càng nhiều và thậm chí bạn càng sống được lâu hơn. Tại sao lại như vậy? Khi tần suất làm việc càng cao thì đồng nghĩa với việc xuất hiện càng nhiều áp lực, lo âu. 

Nhưng chúng ta lo lắng vì điều gì? Hãy thử tưởng tượng xem, nếu đó không phải là vì những điều quan trọng trong cuộc đời của chúng ta thì có đáng để quan tâm không. Đúng vậy, chúng ta luôn cảm thấy bị áp lực, luôn lo âu là để cố gắng trao đi và dành những điều tốt đẹp, ý nghĩa nhất cho những người, những sự kiện quan trọng đối với chúng ta. 

Để rồi lúc về già, khi nhìn lại, bạn sẽ cảm thấy hài lòng về những nỗ lực khi còn trẻ và cuộc sống khi ấy càng ý nghĩa biết bao, từ đó mà sức sống cũng trở nên mãnh liệt hơn.

Sự thật cuối cùng: Bất cứ ai cũng có thể làm bạn thất vọng

Bạn có chắc rằng tất cả những bí mật mà bạn kể cho những người bạn thân của mình đều được họ giữ kín không? Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng 60% số người được hỏi đều thừa nhận đã từng tiết lộ bí mật của bạn thân mình cho một người thứ ba và có một phần tư số người khác đã từng chia sẻ bí mật của bạn thân cho ít nhất là ba người nữa.

Vậy làm cách nào để có thể bảo đảm được những bí mật của mình không bị lộ ra ngoài? Rõ ràng rằng chúng ta không nên đặt quá nhiều niềm tin vào một ai đó cũng như đừng quá dựa dẫm hay thân thiết quá mức với họ vì chính những người ấy có thể là phương tiện để thông tin mật của mình bị tuồn ra ngoài.

Tuy nhiên, muốn đi cùng với nhau trên con đường dài lại đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau từ hai phía, trong bất kể lĩnh vực nào, kể cả tình yêu hay là công việc. Sự tin tưởng lẫn nhau có thể đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc. Mặc dù sẽ có những nỗi thất vọng, nhưng sự tin tưởng và cùng với đó là sự tha thứ sẽ khiến cho mối quan hệ và công việc tiến triển tốt hơn.