Hình ảnh một trường mầm non ở Gia Lai tổ chức Halloween. Ảnh: thanhnien.vn

 Vừa đi làm về đến cổng tôi đã nghe tiếng 2 bà cháu tranh cãi. Tiếng thằng bé 7 tuổi lanh lảnh:

- Bà lạc hậu lắm! Halloween là đỉnh gút chóp luôn!

- Đỉnh cái gì? Ai dạy cháu cái trò dọa ma người khác thế! - bà nội vặc lại cháu trai.

Mặc cho bà nội phản đối, thằng bé lớp 2 vẫn đeo chiếc mặt nạ ma cà rồng chạy xung quanh lêu lêu chọc tức bà nó.

Thấy tôi về, bà như bắt được “trọng tài”:

- Đấy bố mày xem! Đời thuở nhà ai đi học về đeo hẳn cái mặt nạ ma quỷ nhe răng nanh, máu me phát khiếp. Nói cởi ra không cởi, lại còn dọa ma cả bà. Ngày trước tôi nhớ trẻ con chỉ đeo mặt nạ thằng Bờm hay chú Tễu trêu đùa cho vui. Giờ mọc ở đâu ra cái thứ quái gở ấy không biết. Suýt nữa tôi trụy tim đấy! – Mẹ tôi vừa nói vừa thở hổn hển.

Từ trong bếp bước ra, vợ tôi tranh luận với mẹ chồng:

- Cháu nó học trường quốc tế mẹ ạ! Trường quốc tế nó phải có sự khác biệt. Hơn nữa nó cũng là dịp để các cháu có thêm những trải nghiệm mới. Ở trường cháu năm nào Halloween chẳng sôi động, vui vẻ.

- Tôi chẳng biết khác biệt thế nào nhưng đến hình nhân thế mạng cúng bái dưới quê cũng không đáng sợ bằng mấy thứ quái gở ấy! Các anh chị lo mà dạy con. Học gì thì học, chơi gì thì chơi, phải giữ lấy cái gốc gác, nề nếp của cha ông! – Mẹ tôi giận dỗi đáp lại.

Lo ngại nguy cơ va chạm giữa các “nền văn minh” ngay trong chính gia đình mình chỉ vì cái mặt nạ hóa trang ma cà rồng bê bết máu me, tôi đành phải lên tiếng: "Cả hai người đều có lý. Vấn đề là giới hạn của nó đến đâu. Đừng để Halloween bị biến tướng thành một hiện tượng văn hóa quái dị".

Không hiểu bố nói gì, thằng bé 7 tuổi, con trai tôi vẫn đeo chiếc mặt nạ dọa ma, cầm thêm cây kiếm xuyên hình trái tim rỉ máu múa may quay cuồng khắp nhà.

Đây không phải lần đầu tiên bọn trẻ nhà tôi hào hứng với Halloween. Từ những năm học mầm non, các cháu đã quá quen thuộc với những hình ảnh hóa trang kinh dị hằng năm vào cuối tháng 10. Không ít trường học, các cơ sở dạy ngoại ngữ… tổ chức Halloween hoành tráng hơn cả Tết Trung Thu.

Hình ảnh được giới thiệu là Halloween ở một trung tâm ngoại ngữ

 Trên mạng xã hội, nhiều người nổi tiếng thay Avatar là ảnh chế bắt “trend” Halloween một cách rùng rợn. Người chưa nổi tiếng cũng nhân dịp này biến hình thành những hình thù kỳ quái nhằm tăng folow, câu like. Một số công ty, sản phẩm, nhãn hàng tranh thủ Halloween tổ chức các hoạt động tri ân, khuyến mãi khách hàng theo mô hình “đám cưới ma”, “lễ hội quỷ”, “diễn đàn phù thủy”… Hộp quà tặng là hình thù những chiếc đầu lâu, những bộ xương người chết, những cánh tay bị chặt đứt…

Thử tưởng tượng xem một bé gái xinh xắn được hóa trang thành một thi hài “thiên thần” bước lên nhận vương miện được làm mô phỏng hàm răng của quỷ trong cuộc thi có tên: “Miss Teen …âm phủ” bạn sẽ cảm thấy mức độ rùng rợn và phản cảm thế nào. Đó dĩ nhiên chỉ là giả thiết về một kịch bản mà nó hoàn toàn có thể xảy ra tại một lễ hội Halloween. Với sự “sáng tạo” không biên giới của những …công dân toàn cầu, không gì là không thể.

Những năm gần đây, Halloween không chỉ diễn ra ở thành phố. Cuối tháng 10 dương lịch về quê, chỉ cần ra chợ mua bó rau, cân thịt, có thể thấy… mặt nạ quỷ sứ xuất hiện ngay ở hàng xén kế bên. Cửa hàng bán sách bút tranh thủ Halloween bán luôn cả… đầu lâu, mặt nạ, kiếm chém. Trẻ em, thanh niên nông thôn sau thời thằng Bờm, chú Cuội đã bắt đầu chạy theo “trend” hóa trang mà nói như người quê là: người không ra người, ngợm không ra ngợm.

Phố hàng mã, vốn lâu nay chỉ… vượng vào tháng 7 âm lịch, nay phát cả vào tháng 10 dương lịch. Dọc các khu phố… người âm, sản phẩm Halloween bày la liệt. Thôi thì đủ thứ, kiểu trên mạng có gì, ở ngoài đời có nấy. Từ mặt người đầu chó ngao, đầu người mặt quỷ rồi những bịch máu giả, cho đến những chiếc đầu lâu trọc lóc, đôi mắt lòng xọc…

Phố hàng mã trong mùa Halloween. Ảnh: Vietnam+

 Sau thảm họa Halloween mới đây tại Hàn Quốc khiến ít nhất 154 người chết, 133 người bị thương, nhiều người đặt ra câu hỏi: Có nên tồn tại lễ hội Halloween ở Việt Nam?

Thực ra câu hỏi này đã từng được các nhà nghiên cứu văn hóa, các chuyên gia xã hội học, tâm lý học đặt ra từ nhiều năm trước. Có điều nó chỉ thực sự nóng lên vào dịp lễ hội Halloween. Có lẽ vì quan niệm dễ dãi cho rằng, đó thực ra chỉ là trò đùa của giới trẻ, xong đâu lại vào đấy. Tuy nhiên sau những gì xảy ra tại Hàn Quốc hôm 29/10, câu chuyện Halloween ở Việt Nam hơn lúc nào hết cần phải được nhìn nhận nghiêm túc.

Thảm kịch Halloween ở Hàn Quốc hôm 29/10 tiếp tục gióng lên hồi chuông về những hiện tượng lệch chuẩn văn hóa

 Cấm một hiện tượng văn hóa có tính toàn cầu không dễ và có thể sẽ gây nên những phản ứng trái chiều. Bởi suy cho cùng, nguồn gốc của Halloween không phải như những gì chúng ta đang chứng kiến. Là giẫm đạp, xô đẩy, "đu trend" theo những thứ kinh dị, phản văn hóa.

Halloween có cội nguồn đẹp đẽ từ ngàn năm trước, thịnh hành ở phương Tây hàng thế kỷ và tạo nên không khí vui vẻ ở khắp nơi. Đáng tiếc, ngưỡng của vui vẻ, hạnh phúc đã không có được “chỉ giới mềm” khi tổ chức lễ hội hóa trang. Biến tướng của Halloween đã tạo nên những trào lưu phi văn hóa, xu hướng quái đản và là nguồn cơn cho những vụ tai nạn đáng tiếc.