Kể chuyện cho bé nghe, lợi cho cả mẹ và con

Vào khoảng tuần thai thứ 23 là thời điểm thích hợp nhất để bé có thể nghe thấy mọi âm thanh một cách rõ ràng. Không chỉ vậy, bé còn có thể phản ứng lại với những gì mà mình nghe được bằng cách di chuyển người hay giật mình.

Kể chuyện cho bé trong bụng mẹ là phương pháp thai giáo được nhiều mẹ áp dụng, vừa có lợi cho sự phát triển của thai nhi vừa tốt cho tinh thần của mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Nước ối cùng với dây rốn là môi trường hiệu quả giúp bé nghe được âm thanh từ môi trường bên ngoài bụng mẹ. Trong thời gian này các tế bào thần kinh đang phát triển và hình thành các kết nối trong một phần của bộ não để xử lý âm thanh, vỏ não thính giác. 

Lúc này, mẹ có thể giúp con phát triển khả năng nhận thức tự nhiên ngay từ đầu bằng cách tương tác với bé. Điều này bao gồm những hoạt động như đọc sách, nghe nhạc, nói chuyện hoặc kể chuyện cho thai nhi nghe ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Khi kể chuyện cho bé trong bụng mẹ, không chỉ có lợi cho sự phát triển của thai nhi mà còn rất tốt cho tinh thần, sức khoẻ của mẹ. Cụ thể:

  • Trong thời gian mang thai mẹ thường cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng vì vậy mẹ cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, giữ gìn sức khoẻ. Một chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích đó chính là kể chuyện cho thai nhi nghe. Đọc truyện cũng là phương pháp giúp mẹ bầu hạn chế được tình trạng trầm cảm sau sinh khá phổ biến hiện nay.
  • Việc đọc những câu chuyện dành cho thai nhi cũng chính là cách để mẹ bộc lộ tình yêu thương. Ngay sau khi bé chào đời bé có thể nhận ra giọng nói ngọt ngào của mẹ cũng như phân biệt với giọng nói của những người khác, đây quả là điều tuyệt vời.
  • Đọc truyện giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ rất tốt sau này. Vốn từ của bé trở nên phong phú hơn, khả năng học hỏi và tiếp thu của bé cũng tốt hơn. Bên cạnh đó còn giúp não bộ trẻ phát triển, tăng khả năng tập trung của bé sau khi chào đời.
  • Những truyện thai giáo cho bé trong bụng mẹ là cơ hội để con tiếp cận với âm thanh, nhận biết, ghi nhận những gì con nghe được, là tiền đề quan trọng để con phát triển não bộ, khả năng ngôn ngữ và nuôi dưỡng tâm hồn con về sau này.
Mẹ bầu hãy duy trì thói quen kể chuyện cho thai nhi hằng ngày để con cảm nhận được tình yêu thương và phát triển tư duy ngôn ngữ sau này - Ảnh minh họa: Internet

Những câu chuyện bố mẹ có thể lựa chọn đọc cho thai nhi nghe

Chuyện cổ tích

Chuyện cổ tích luôn nằm trong danh sách những câu chuyện nên đọc cho thai nhi nghe. Thông qua giọng đọc truyền cảm của mẹ sẽ giúp thai nhi cảm nhận được thế giới cổ tích đầy huyền ảo.

Mẹ bầu hãy lựa chọn những câu chuyện cổ tích có giá trị nhân văn sâu sắc, giàu ngôn từ và hình ảnh để bé cảm nhận được sự phong phú, hấp dẫn, sẽ là cách cho bé làm quen với ngôn ngữ, học được sự logic và tăng khả năng giao tiếp khi lớn lên.

Những gợi ý về truyện cổ tích cho thai nhi như: Con cóc là cậu ông trời, công chúa ngủ trong rừng, chuyện cây khế, thỏ và rùa, ếch ngồi đáy giếng… Bạn có thể đọc những câu chuyện cổ tích cho thai nhi nghe cho đến khi bé được vài tuổi.

Chuyện cổ tích luôn nằm đầu trong danh sách những truyện mẹ nên kể cho thai nhi nghe - Ảnh minh họa: Internet

Chuyện ngụ ngôn

Đây là những câu chuyện vui vẻ, hài hước, lạc quan và có những bài học sâu sắc rút ra. Bé tạm thời sẽ chưa hiểu hết ý nghĩa nhưng sau này, khi con lớn, mẹ có thể lặp lại câu chuyện quen thuộc và chia sẻ ý nghĩa cho bé hiểu.

Chuyện ngụ ngôn hay mẹ có thể lựa chọn cho bé như: Có còn hơn không, bà lão và bình rượu, dê đen và dê trắng, cậu bé chăn cừu và cây đa cổ thụ…

Những câu chuyện ngụ ngôn thường có nội dung vui vẻ, bài học ý nghĩa rất phù hợp để đọc cho thai nhi - Ảnh minh họa: Internet

Những bài thơ, ca dao

Những bài thơ, ca dao, giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ và khả năng học hỏi. Mẹ bầu nên đọc cho con nghe những câu thơ vui nhộn, các bài ca dao, vè với giai điệu nhịp nhàng, hài hước sẽ là giúp bé phát triển ngôn ngữ rất tốt.

Mẹ hãy lựa chọn những tập thơ ngắn với các chủ đề như thiên nhiên, tình yêu quê hương, tình mẫu tử… Khi kể chuyện cho bé trong bụng mẹ bé sẽ cảm nhận được thế giới thông qua cuốn sách hay và giọng kể ngọt ngào, thân quen của mẹ, từ đó phát triển não bộ, khả năng ngôn ngữ của bé.

Mẹ cần kể chuyện cho bé trong bụng mẹ với giọng đọc truyền cảm, vui vẻ để bé cảm nhận được tình yêu thương - Ảnh minh họa: Internet

Những câu chuyện hay khác mà mẹ bầu nên đọc

Ngoài những gợi ý trên, mẹ bầu cũng có thể lựa chọn những câu truyện hay và ý nghĩa khác mà mình yêu thích để cùng đọc và thưởng thức với bé yêu. Hoàng tử bé, Totochan bên khung cửa sổ hoặc những câu truyện của Nguyễn Nhật Ánh là ý tưởng tuyệt vời để mẹ và bé cùng trải nghiệm, nuôi dưỡng tâm hồn của con.

Những lưu ý khi đọc truyện cho thai nhi

Để mang lại nhiều lợi ích cho thai nhi mà mẹ bầu cũng không quá mệt mỏi, khi kể chuyện cho bé trong bụng mẹ cũng cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Mỗi ngày mẹ có thể đọc cho bé nghe từ 2 – 3 lần, mỗi lần chỉ từ 10 – 15 phút. Không kéo quá dài thời gian mặc dù câu chuyện chưa kết thúc vì có thể khiến mẹ mệt mỏi.
  • Hãy chọn tư thế mà mẹ thấy thoải mái nhất, có thể ngồi tựa trên ghế, nằm trên giường, thảm… Mẹ cũng không nên duy trì một tư thế quá lâu, vì vậy mẹ nên chọn những mẩu truyện ngắn, không tốn quá nhiều thời gian để đọc cho bé nghe hết cả một cuốn sách dày.
  • Nên đọc những cuốn truyện có nội dung nhẹ nhàng và nhân văn. Mẹ nên chọn những chuyện có nội dung đơn giản, dễ hiểu với ngôn ngữ nhịp nhàng bởi thai nhi sẽ thích nghe hơn. Những truyện ngôn tình, buồn bã hay có nội dung gây sợ hãi đều không tốt cho cả mẹ và bé.
  • Mẹ cần đọc rõ ràng, giọng điệu nhẹ nhàng và truyền cảm, lên xuống giọng để tạo sự hứng thú, vui vẻ. Với cách kể chuyện này, thai nhi có thể cảm nhận được, tỏ ra thích thú, thoải mái và cảm thấy được tình yêu thương, hạnh phúc của người mẹ đang lan tỏa cho bé. Mẹ sẽ thấy thai nhi có phản ứng với những nhịp điệu này đấy.
Khi kể chuyện cho thai nhi, mẹ lưu ý không ngồi quá lâu một tư thế mà thỉnh thoảng nên thay đổi để tránh mệt mỏi - Ảnh minh họa: Internet
  • Mẹ nên đọc to một chút và thường xuyên xoa bụng để bé có thể cảm nhận rõ hơn. Thể hiện tình cảm của mình qua từng câu chuyện.
  • Một câu chuyện mẹ có thể lặp đi lặp lại từ 2 – 3 lần để bé cảm nhận được đầy đủ, trọn vẹn nội dung, từ đó ghi nhớ và kích thích thính giác của bé phát triển.

Kể chuyện cho bé trong bụng mẹ là điều cần thiết mà bố mẹ nên áp dụng để bé có thể phát triển não bộ và ngày càng gắn kết tình cảm bố, mẹ hơn. Hãy cố gắng duy trì thói quan kể chuyện hằng ngày cho bé để thai nhi khoẻ mạnh, thông minh, bà bầu lại được thoải mái và vui vẻ hơn.