Trong thời gian mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi lớn, dẫn đến đau thắt lưng, đau vùng chậu. Nguyên nhân là do nhau thai tiết ra nhiều hormone relaxin khiến cổ tử cung giãn ra, chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Điều này khiến khung xương thiếu liên kết, gây đau và viêm ở lưng. Các nhà khoa học ước tính nồng độ hormone relaxin trong cơ thể bà bầu những ngày cuối thai kỳ tăng gấp 10 lần so với thời kỳ đầu mang thai.

Nguyên nhân gây đau lưng ở phụ nữ mang thai:

Đau lưng khi mang bầu thường thấy xuất hiện ở vùng hông lưng nhất là vùng trên xương cùng. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây đau lưng thai kỳ là:

Tăng cân

Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ có xu hướng tăng cân rất nhiều và cột sống phải hỗ trợ để mang thêm trọng lượng đó. Cân nặng của thai nhi tăng dần lên và tử cung to ra chèn ép lên các mạch máu và dây thần kinh vùng xương chậu và lưng gây đau lưng.

Tăng cân khi mang thai là nguyên nhân chính gây đau lưng ở mẹ bầu (Ảnh minh họa: Internet)

Thay đổi tư thế

Trọng tâm cơ thể sẽ thay đổi trong thời kỳ mang thai. Kết quả là bạn có thể bị đau lưng do cơ bụng bị kéo giãn.

Sự tách cơ

Khi tử cung mở rộng, hai cơ bắp song song từ lồng ngực đến xương mu có thể bị tách dọc theo đường nối giữa, do đó có thể gây ra triệu chứng đau lưng.

Phương pháp giúp hạn chế đau lưng khi mang thai

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị đau lưng khi mang thai, thai phụ nên tuân thủ một số nguyên tắc sau: Mang giày bệt khi mang thai; hạn chế đi giày cao gót vì sẽ làm gia tăng các triệu chứng đau lưng, đau xương khớp; hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ; không mang vác vật nặng; không cúi gập bụng quá lâu; tắm nước ấm hoặc chườm nóng vùng lưng khi tắm; trước khi đi ngủ có thể ngâm chân trong nước ấm khoảng 15 phút để các cơ, xương khớp được thư giãn, giảm triệu chứng đau lưng; mặc quần áo rộng rãi, không bó sát, thít vào phần bụng và lưng gây nhức mỏi; tránh thức khuya, tập thói quen đi ngủ đúng giờ để có giấc ngủ sâu; không sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê gây mất ngủ.