Vì sao bố mẹ cần xử lý kịp thời khi trẻ bị bắt nạt?

Chị Chu Vân (Bắc Kinh, Trung Quốc) kể lại về tình trạng của cô con gái nhỏ nhà mình: “Năm con gái tôi lên lớp 1, cả nhà đều chuẩn bị rất chu đáo để bé có thể đến trường thuận lợi nhất. Nhưng không hiểu sao có một hôm tan học trở về nhà, con bé khóc tức tưởi kể lại với mẹ rằng bạn ngồi cùng bàn cứ luôn trêu chọc bé quá béo, còn giựt lấy bút của con bé. Lúc đó cả nhà nghe xong cũng chỉ nghĩ rằng trẻ con hơi nghịch ngợm trêu ghẹo nhau mà thôi, tôi an ủi vài câu rồi cũng quên hẳn.

Nhưng không lâu sau, con bé ngày càng tỏ ra khác thường, mỗi ngày trước khi đi học đều khóc quấy rất lâu, bảo rằng không muốn đến trường nữa. Lúc này, tôi mới suy nghĩ lại và nhận ra vấn đề bé bị bắt nạt ở lớp nghiêm trọng hơn tôi tưởng”.

Bố mẹ cần quan tâm mọi diễn biến cảm xúc của trẻ để kịp thời phát hiện trẻ bị bắt nạt - Ảnh minh họa: Internet

Các chuyên gia tâm lý trẻ em trên Sohu luôn nhấn mạnh: Trẻ con khi bị bắt nạt ở bên ngoài thì thời gian đầu trẻ rất muốn kể lại với bố mẹ. Nếu người lớn không quan tâm và kịp thời giải quyết sẽ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương và ngày càng trở nên sợ hãi hơn.

Thậm chí, trẻ sẽ có xu hướng thu mình lại, xa lánh mọi người và không muốn nói chuyện với bố mẹ hay bất cứ ai nữa.

Khi bị bắt nạt, trẻ rất mong nhận được những điều này từ bố mẹ để tìm lại cảm giác an toàn

Khi bị bắt nạt, trẻ thường khóc và kể lể để bày tỏ sự uất ức của mình - Ảnh minh họa: Internet

Phát hiện và tiếp nhận cảm xúc của trẻ

Khóc chính là cách trẻ thể hiện cảm xúc của mình. Khi bị bắt nạt, phản xạ tự nhiên trẻ sẽ khóc với bố mẹ để mong được quan tâm và giúp đỡ. Lúc này, nếu bạn chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân đã vội trách mắng vì trẻ khóc nhè sẽ càng khiến trẻ sợ hãi, tổn thương.

Cách tốt nhất là hãy để trẻ khóc thỏa thích, đây là điều khiến trẻ cảm thấy được thấu hiểu và cảm thông. Sau đó, bạn có thể nhẹ nhàng hỏi trẻ lý do để có hướng xử lý thích hợp.

Tiếp nhận cảm xúc của trẻ và thể hiện sự quan tâm của bố mẹ để trẻ cảm thấy an toàn - Ảnh minh họa: Internet

Thể hiện sự quan tâm của bố mẹ

Bất cứ ai khi chịu oan ức hoặc bắt nạt đều muốn được ở bên cạnh những người thân yêu nhất. Trẻ con lại càng như thế, những câu hỏi quan tâm của bố mẹ về tình trạng của trẻ giống như liều thuốc giảm đau, xoa dịu sự tổn thương mà trẻ đang gặp phải. Điều này cũng giúp trẻ dễ dàng cởi mở chia sẻ vấn đề của mình với bố mẹ hơn.

Tìm biện pháp giải quyết vấn đề cho trẻ

Bố mẹ cần gặp phụ huynh của người bạn nhỏ kia để xác minh vấn đề - Ảnh minh họa: Internet

Sau khi đã để trẻ bày tỏ cảm xúc cũng như tìm hiểu được nguyên nhân, bố mẹ nên tìm cách xử lý một cách khôn ngoan và khéo léo. Không nên chỉ vừa nghe con mình bị bắt nạt mà lập tức đến gặp thầy cô và người bạn đã bắt nạt trẻ để “làm ầm lên”. Điều này không những hiệu quả không cao mà còn có thể khiến trẻ càng bị bạn bè ganh ghét, bắt nạt.

Bạn có thể đến gặp bố mẹ của người bạn nhỏ kia để tìm hiểu kỹ lại vấn đề, bởi vì đôi khi trẻ con không giỏi diễn tả có thể gây ra hiểu lầm. Sau đó những người lớn nên bàn bạc và thống nhất ý kiến với nhau, đôi bên giảng giải và khuyên bảo lại con mình để giúp mối quan hệ giữa hai trẻ hòa thuận trở lại.