Ngày 12/7, bác sĩ Đinh Thạc, bác sĩ điều hành khoa khám tâm lý bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ ngày 18/7, bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ mở tổng đài đặt lịch khám tâm lý cho trẻ qua số điện thoại 19007299 (vào giờ hành chính các ngày trong tuần trừ thứ Bảy, Chủ Nhật). Khi phụ huynh các bé gọi vào tổng đài sẽ được hướng dẫn đăng ký và làm sẵn các thủ tục, và thông báo thời gian lịch hẹn tới khám cho phụ huynh rõ để chủ động thu xếp thời gian.

Ảnh minh họa: Internet

Được biết, hiện mỗi ngày Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, chỉ khám cho 35-40 trẻ. Trong đó, chỉ khoảng 15 trẻ mới tới khám lần đầu, số còn lại là các trẻ tái khám. Nguyên nhân là việc khám cho trẻ mắc bệnh tâm lý thường từ 45 phút vcho đến hang tiếng đồng hồ, nên dù đã có nhiều bàn khám nhưng vẫn luôn quá tải bởi nhu cầu khám tâm lý cho trẻ hiện vẫn rất cao. Hàng ngày, bệnh viện Nhi đồng 1 phát ra 15 phiếu đặt lịch khám vào khoảng 5 -6 giờ sáng, nhưng chỉ sau vài phút là hết chỗ, hết phiếu. Ngày nào cũng có cảnh phụ huynh các bé đưa con đến khám nhưng phải quay về vì hết phiếu. Để nhận phiếu, nhiều phụ huynh phải có mặt tại bệnh viện từ 4-5 giờ sáng. Chưa kể có phiếu đặt chỗ xong thì nhiều bệnh nhân phải chờ vài ngày mới tới lượt khám.

"Trong thời gian đầu, bệnh viện sẽ linh động giải quyết cho một số trường hợp đặc biệt như ở tỉnh, ở vùng sâu vùng xa vì thiếu thông tin. Tuy nhiên, dần dần sẽ thực hiện cho những trường hợp đặt lịch khám qua tổng đài. Bên cạnh đó, việc đặt khám qua tổng đài, với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin, bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ khảo sát đánh giá thực tế nhu cầu khám bệnh của trẻ để từ đó có những phương án phù hợp nhằm giải quyết tình trạng quá tải khám tâm lý tại khoa", bác Sĩ Đinh Thạc cho biết.

Theo khảo sát tình hình hiện nay, lượng trẻ khám tâm lý tại bệnh viện Nhi đồng 1 việc rối loạn tâm thần, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hoạt động- chú ý chiếm đa số, chậm nói do ít giao tiếp, do tự kỷ, tăng động… Đáng lưu ý là có không ít trường hợp trẻ bị rối loạn tâm lý bởi bố mẹ thiếu quan tâm, để con cái chơi game… khiến trẻ thiếu tình thương và tác động đến tâm lý của trẻ.