12 tuổi đã mắc bệnh

Tại chương trình “Tập huấn đào tạo về chẩn đoán và điều trị tổn thương polyp và ung thư sớm đại trực tràng”do Bệnh viện K tổ chức, TS.BS Bùi Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng, cho biết hiện nay bệnh ung thư đại trực tràng đang trở thành căn bệnh nguy hiểm và trẻ hoá.

Đặc biệt, tại Bệnh viện K, các bác sĩ đã ghi nhận có trường hợp bệnh nhi 12, 13 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng. Đó là hồi chuông cảnh báo, mọi người cần đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm để điều trị kịp thời. 

Bác sĩ Tuyết cho biết trước đây, ung thư đại trực tràng thường mắc ở bệnh nhân trên 50 tuổi nhưng đến nay đã ghi nhận nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi.

Ung thư đại trực tràng đang trẻ hoá - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân của ung thư đại trực tràng được đưa ra đó là do nhiều yếu tố như lối sống, sinh hoạt và yếu tố gia đình. Những người trong gia đình có bệnh ung thư đại trực tràng dễ bị ung thư đại trực tràng hơn người khác, đặc biệt là những người có polyp gia đình, những bệnh nhân có tiền sử viêm loét đại trực tràng.

Ngoài ra, lối sống góp phần quan trọng thúc đẩy yếu tố ung thư đại trực tràng như chế độ ăn uống. Thức ăn chứa nhiều mỡ, nhất là mỡ động vật làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại - trực tràng. Những thực phẩm chiên rán, hun khói, thực phẩm chế biến sẵn đồ hộp cũng tăng yếu tố gây ung thư đại trực tràng.

Những người ngồi một chỗ, béo phì, lười vận động dễ bị mắc bệnh ung thư đại - trực tràng hơn những người vận động thường xuyên, có chỉ số cân nặng thích hợp. Những người bị bệnh đái tháo đường và kháng insulin có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. 

Bác sĩ Tuyết khuyến cáo bệnh nhân có các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, chán ăn, mệt mỏi, toàn thân phờ phạc, sụt cân.

Dấu hiệu đại tiện rất quan trọng cảnh báo ung thư đại trực tràng đó là người bệnh bị rối loạn đại tiện như lúc táo bón, lúc phân lỏng.

Đi ngoài phân nhỏ hơn vì khuôn phân đi qua vùng ruột bị kết do khối u chiếm chỗ làm cho hình dáng phân thay đổi. Đi đại tiện phân có máu, có thể máu nhầy nhầy, máu tươi bám vào phân. Do khối u trong lòng đại trực tràng và khi phân đi qua khối u kích thích khối u gây chảy máu và máu bám theo phân ra ngoài.

Khi thấy dấu hiệu trên, bác sĩ Tuyết khuyến cáo người dân nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế kiểm tra để xác định ung thư đại trực tràng hay không. Vì việc phát hiện bệnh sớm hay muộn chính là chìa khoá để chữa bệnh ung thư đại trực tràng.

70% phát hiện muộn

Số lượng bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở nước ta không ngừng gia tăng. Năm 2018, ghi nhận ở nước ta số ca mắc mới là 14.733 và 7.856 trường hợp tử vong do ung thư đại trực tràng.

Điều đáng tiếc là số bệnh nhân đến viện 2/3 đã ở giai đoạn muộn bác sĩ chỉ can thiệp điều trị giảm đau, kéo dài thêm cho bệnh nhân chứ việc điều trị thành công, sống trên 5 năm rất khó. Hơn nữa, phát hiện muộn chi phí điều trị lại khó khăn và tốn kém hơn.

Dấu hiệu của ung thư đại trực tràng - Ảnh minh họa: Internet

Còn với những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn đầu thì 90% có cơ hội điều trị khỏi, sống trên 5 năm nữa. Trong bệnh ung thư trên 5 năm được đánh giá là thành công. Vì thế, việc phát hiện sớm bệnh ung thư đại trực tràng rất quan trọng

"Đối với ung thư đại trực tràng, các phương pháp chẩn đoán có giá trị nhất hiện tại là nội soi ống mềm, ngoài quan sát được tổn thương còn lấy sinh thiết làm xét nghiệm về mặt tế bào học. Nội soi, chẩn đoán sớm ung thư là rất cần thiết, đặc biệt với nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao", bác sĩ Tuyết nhấn mạnh.

Bác sĩ bệnh viện K cũng khuyến cáo tầm soát phòng chống ung thư đại trực tràng là việc làm quan trọng đặc biệt trong gia đình có người mắc căn bệnh.

Để ung thư đại trực tràng gõ cửa, mọi người cần phòng bệnh bằng cách không sử dụng các loại thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích. Thường xuyên tập thể dục thể thao và duy trì cân nặng hợp lý. 

Duy trì chế độ ăn uống khoa học: Hạn chế thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn (xúc xích, thịt hun khói…), ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi.