Sau khi được hồi sức bù dịch và điện giải, trẻ ổn định dần, nhưng triệu chứng đau không đỡ. Qua thăm khám lâm sàng, kết hợp hình ảnh phim X-quang, siêu âm, các bác sĩ phát hiện nhiều khối bã thức ăn bít tắc trong lòng ruột non và dạ dày.

Các bác sĩ quyết định phẫu thuật giải phóng khối bít tắc trong lòng ruột. Dù ê-kíp đã tiến hành đẩy nhiều khối bít tắc trong ruột non ra ngoài (khối lớn nhất 4x3cm), nhưng vẫn còn nhiều khối cứng, vón cục, kích thước lớn nằm trong dạ dày trẻ không thể tự đi xuống được.

Trước tình huống khó khăn, các bác sĩ quyết định mở dạ dày, lấy sạch các khối vón cục, làm sạch lòng dạ dày cho trẻ.

Đây không phải lần đầu tiên thầy thuốc tại đây tiếp nhận bệnh nhân tắc ruột sau ăn quả hồng giòn. Nếu không điều trị kịp thời, tắc ruột có thể gây ra biến chứng nặng nề như thủng ruột, rối loạn điện giải, nhiễm trùng, nhiễm độc.

Theo các bác sĩ, quả hồng giòn nếu ăn lượng nhiều, đặc biệt vào lúc đói thì sẽ có nguy cơ cao tắc ruột. Nguyên nhân do trong quả hồng có lượng chất tanin và pectin cao, khi gặp dịch dạ dày có xu hướng vón cục, làm giảm nhu động đường ruột.