Bệnh nhân ngưng tim được cứu sống: Hành trình trở về từ cõi chết
Và điều kỳ diệu đã đến, trên đường người thân đưa về quê để lo hậu sự, ông được các bác sĩ bệnh viện ở Quảng Nam cứu sống một cách hy hữu.
Tôi như được sinh ra lần hai
Sáng 4-11, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, ông Nguyễn Đình Khanh (47 tuổi, quê xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã đi lại bình thường, nói chuyện vui vẻ, ông cho biết sức khỏe của mình đã hồi phục được khoảng 90%. Ông vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh.
"Giờ đây tôi đã tỉnh lại, phục hồi, cảm giác thực sự rất vui mừng. Bác sĩ đã tận tình giúp đỡ, tôi đã là con người mới, bắt đầu cuộc sống mới, như được sinh ra lần thứ hai, thực sự rất biết ơn các bác sĩ" - ông Nguyễn Đình Khanh.
Tối 22-10, trong lúc đang ngồi dự đám thôi nôi cháu ngoại mình, ông có nhấp một tí rượu, bia thì bất ngờ thấy ngực bị nhói đau. "Rồi sau đó tôi chẳng biết gì nữa, tới khi tỉnh lại thì thấy đang nằm viện. Mấy bệnh nhân trong phòng nói với vợ tôi kêu về ăn mừng, còn tôi ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra" - ông Khanh kể.
Ông chỉ nghe vợ kể rằng xe cấp cứu đưa mình từ TP.HCM về quê lo hậu sự bởi trong đó bệnh viện đã trả về.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - vợ ông Khanh - kể vào tối hôm đó, khi hai vợ chồng đang dự đám thôi nôi đứa cháu ngoại thì bất ngờ chồng tức ngực, sau đó gia đình đưa vào Bệnh viện Bình Chánh sơ cứu rồi lại đưa vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM).
"Trên đường vào bệnh viện, chồng tôi bị tắt thở khoảng 10 phút, đến bệnh viện các bác sĩ sơ cứu, rồi gọi tôi vào nói chuyện. Họ nói ổng bị nhồi máu cơ tim, máu tụ ở trong đó, khi sơ cứu ổng đã bị tắt thở 45 phút. Rồi bác sĩ hỏi người nhà có khả năng không, vì tốn một số tiền rất lớn để mổ đặt máy gì trong đó, lúc đó tôi cũng hoảng lắm rồi".
"Tôi nói người nhà không có khả năng nên bàn tính với con rằng thôi để cho cha đi cho nhẹ nhàng, chứ số tiền đó nhà mình đâu có. Sau đó tôi đưa chồng về quê" - bà Phương kể.
Bà Phương nói khi chở chồng về thì ông đã tím hết người, chỉ còn thoi thóp. Trên đường về quê, gia đình ghé vào bệnh viện ở Phan Rang, Ninh Thuận nhưng nhìn bệnh án, bác sĩ không dám nhận.
"Trên đường về thấy chồng có dấu hiệu vận động tay chân trở lại, khi về đến Quảng Nam, tôi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam sơ cứu với ý định để người nhà nhìn mặt lần cuối. Nhưng không ngờ tại đây các bác sĩ đã cứu sống, chồng tôi đã trở về từ cõi chết. Tôi mừng không thể tả, thật cảm ơn các bác sĩ" - bà Phương xúc động.
Ông Khanh tâm sự rời quê mấy chục năm nay, hai vợ chồng ở trọ làm công nhân kiếm sống, cả hai có một người con gái. Cuộc sống quanh năm khốn khó, con gái ông có hai đứa con, hiện hai vợ chồng ông nuôi đứa cháu 4 tuổi. "Giờ tôi quyết định về quê sống, ở cùng với người em ruột, bôn ba ở thành phố quá lâu rồi".
Bà Phương cho biết khi chồng nằm viện, cũng nhờ sự đóng góp giúp đỡ của bà con xóm giềng và sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm mà bà có được vài chục triệu đồng để lo cho chồng.
Trái tim kiên cường
Trước đó, ngày 23-10, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tiếp nhận ông Khanh trong tình trạng hôn mê sâu. Các bác sĩ của khoa nội tim mạch hội chẩn, kích hoạt hệ thống báo động đỏ can thiệp tim mạch.
Sau khi xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, ê kíp can thiệp tim mạch chụp động mạch vành và tái thông đoạn động mạch vành bị tắc. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh dần, tự thở được, được duy trì thuốc vận mạch liều thấp và hồi sức tại phòng hồi sức.
Sau năm ngày được cứu sống, bệnh nhân được áp dụng các chương trình phục hồi chức năng tim mạch cơ bản.
Theo bác sĩ Nguyễn Lương Quang - trưởng khoa nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân nhồi máu cơ tim và ngưng tim rất cao. Trường hợp này rất hy hữu, tại bệnh viện cũng đã cứu sống bệnh nhân ngưng tim nhưng ở khu vực gần.
Còn bệnh nhân này đã được bệnh viện lớn ở TP.HCM xác định ngưng tim và tiên lượng rất nặng, lại di chuyển một quãng đường hơn 1.000km.
"Nhưng trong quá trình di chuyển, tim của bệnh nhân bắt đầu hồi sinh lại, sau cứu chữa, bệnh nhân phục hồi rất tốt, vận động, sinh hoạt lại được, đây là chuyện rất hy hữu. 20 năm trong nghề mới thấy một trường hợp may mắn như vậy" - bác sĩ Quang bộc bạch.
"Can thiệp tim mạch là một kỹ thuật tiên tiến, cứu sống nhiều bệnh nhân, tuy nhiên nó không phải là tất cả. Bởi có những bệnh nhân can thiệp xong vẫn có thể rối loạn nhịp, suy tim và không thể qua khỏi. Xin chúc mừng ông Khanh với trái tim kiên cường" - bác sĩ Quang nói.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....